Quy hoạch tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới tại khu vực quận Dương Kinh - huyện Kiến Thụy. |
Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới tại khu vực quận Dương Kinh và huyện Kiến Thuỵ được UBND TP. Hải Phòng Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư số 3669/QĐ-UBND vào tháng 11/2022. Dự án có tổng diện tích đất thực hiện là 240,6 ha, tổng mức đầu tư 23.218 tỷ đồng. Công ty cổ phần Vinhomes là nhà đầu tư thực hiện Dự án.
Dự án có diện tích đất thuộc quận Dương Kinh khoảng 107,3 ha, diện tích đất thuộc huyện Kiến Thụy khoảng 133,27 ha (xã Đông Phương: 97,41 ha; xã Đại Đồng: 36,07 ha); liên quan đến 983 hộ dân (xã Đông Phương: 692 hộ; xã Đại Đồng: 291 hộ); 2 tổ chức.
Ông Đỗ Đức Hòa, Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy, TP. Hải Phòng phát biểu. Ảnh: Quỳnh Nga |
Ông Đỗ Đức Hòa, Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy, TP. Hải Phòng cho biết, việc triển khai thực hiện Dự án sẽ góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, cơ hội hiện nay. Xây dựng một khu đô thị hiện đại, văn minh cũng sẽ tăng thêm cơ hội việc làm, góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân, tạo động lực trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của quận Dương Kinh, huyện Kiến Thụy nói riêng và TP. Hải Phòng nói chung.
“Đây còn là bước cụ thể hóa quy hoạch xây dựng và kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố được duyệt. Việc sớm hình thành dự án còn tạo thêm không gian ở, sinh hoạt công cộng mới cho người dân khu vực và thành phố, đưa vào phát huy giá trị của khu đất có vị trí đẹp, giúp chỉnh trang đô thị văn minh hiện đại; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng giảm tỷ trọng lĩnh vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng các lĩnh vực thương mại, dịch vụ”, ông Đỗ Đức Hòa nhấn mạnh.
Theo báo cáo của UBND huyện Kiến Thụy, thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hải Phòng, huyện đã tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án. Huyện đã thành lập 7 Tổ công tác phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương để vận động, tuyên truyền người có đất thu hồi đồng thuận chấp hành chính sách bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước theo quy định.
Ông Lưu Văn Thụy, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng thông tin về công tác giải phóng mặt bằng của dự án. Ảnh: Thanh Tân |
Theo thông tin, đến nay còn 830 hộ có đất lúa và 9 hộ sử dụng đất có nhà ở chưa đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ với lý do: giá đất còn thấp, nhất là giá đất nông nghiệp còn thấp so với quận Dương Kinh (quận giáp huyện Kiến Thụy).
Thông tin về chính sách bồi thường dự án, ông Lưu Văn Thụy, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho biết, mức giá bồi thường đối với đất ở tại xã Đông Phương, cụ thể: đường 363 đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường 361 (vị trí 1: 6.980.000 đồng/m2; tại vị trí 2: 5.390.000 đồng/m2; tại vị trí 3: 4.400.000 đồng/m2 và các khu vực còn lại: 3.190.000 đồng/m2); xã Đại Đồng các khu vực còn lại: 4.480.000 đồng/m2. Mức giá bồi thường đối với đất đất trồng cây lâu năm là 104.000 đồng/m2. Đối với đất nông nghiệp, đất trồng lúa nước là 93.600 đồng/m2, đất trồng cây lâu năm à 104.000 đồng/m2 còn đất nuôi trồng thuỷ sản 78.000 đồng/m2.
Đại diện cho các hộ có đất thu hồi tại 2 xã Đại Đồng, Đông Phương, cho biết, được Huyện ủy, UBND nhân dân huyện Kiến Thụy vận động, công khai phương án bồi thường, người dân đã cơ bản hiểu được các cơ chế chính sách. Tuy nhiên, cùng là đất nông nghiệp nhưng giá đất đền bù hiện nay ở huyện còn thấp hơn nhiều so với quận Dương Kinh, cụ thể chênh lệch 326.400 đồng/1 m2 (tương ứng 117.504.000 đồng/1 sào).
Đại diện chính quyền xã phản ánh ý kiến của các hộ dân có diện tích đất được bồi thường. Ảnh: Thanh Tân |
Bí thư Đảng ủy xã Đông Phương cũng phản ánh, sau khi công khai phương án bồi thường, hỗ trợ thì vẫn còn nhiều hộ dân chưa nhất trí với phương án bồi thường, lý do chủ yếu vẫn xoay quanh việc giá đền bù thấp, chênh lệch lớn so với quận Dương Kinh..
Bên cạnh giá đất, các vấn đề liên quan đến bồi thường hoa màu, cấp phép xây dựng nhà ở sau khi tái định cư cũng được một số hộ dân quan tâm.
“Huyện cần có chính sách hỗ trợ đặc thù, đáp ứng nguyện vọng của người dân, để người dân đồng tình, chấp thuận và dự án sớm vào triển khai với tiến độ thời gian”, Bí thư Đảng ủy xã Đông Phương bày tỏ.
Đại diện cho các hộ dân có diện tích đất thu hồi phản ánh. Ảnh: Thanh Tân |
Được biết, theo chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp (trồng lúa) trên địa bàn thành phố Hải Phòng từ năm 2019 đến nay, tiền bồi thường, hỗ trợ gồm 6 lần: 1 lần tiền bồi thường theo giá cụ thể do UBND quận, huyện ban hành + 5 lần tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề, đào tạo việc làm theo Bảng giá đất nông nghiệp tại Quyết định số 54/2019/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND Thành phố.
Cụ thể, tiền bồi thường, hỗ trợ trên địa bàn quận Dương Kinh: 130.000 đồng/m2 + 5 lần x 130.000 đồng/m2 theo Quyết định số 54 = 780.000 đồng/m2 (tương ứng: 280.800.000 đồng/1 sào). Còn tiền bồi thường, hỗ trợ trên địa bàn huyện Kiến Thụy: 93.600 đồng/m2 theo Quyết định số 2363/QĐ-UBND ngày 26/7/2024 của UBND huyện + 5 lần x 72.000 đồng/m2 theo Quyết định số 54 = 453.600 đồng/m2 (tương ứng: 163.296.000 đồng/1 sào).
Nếu so sánh số tiền bồi thường, hỗ trợ của dự án giữa xã Đông Phương, xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy (khoảng 163,296 triệu đồng/1 sào) và phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh (khoảng 280,8 triệu đồng/1 sào) thì số tiền chênh lệch là 326.400 đồng/m2 (tương ứng 117,504 triệu đồng/1 sào).
“Giá đất nông nghiệp cụ thể tính tiền bồi thường về đất tại Dự án khu đô thị mới trên địa bàn xã Đông Phương, Đại Đồng đã cao hơn 30% mức giá đất nông nghiệp để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với các dự án khác trên địa bàn huyện. Và đây cũng là số tiền bồi thường cao nhất từ trước đến nay”, ông Lưu Văn Thụy cho biết thêm.
Đại diện nhà đầu tư dự án trả lời các vấn đề liên quan đến việc đền bù, hỗ trợ các hộ dân. Ảnh: Quỳnh Nga |
Trao đổi thông tin tại hội nghị, đại diện Công ty cổ phần Vinhomes cho biết, nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án theo phương thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư chỉ nhận mặt bằng sạch để triển khai dự án. Và dự án không thuộc trường hợp Chủ đầu tư phải thỏa thuận với người có đất thu hồi theo quy định của Luật Đất đai. Tiền chi cho đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ cho các hộ dân là từ ngân sách nhà nước, được thực hiện cơ chế chính sách về đền bù giá đất của Nhà nước.
Lý giải thêm có sự chênh lệch giá đất nông nghiệp giữa quận Dương Kinh và huyện Kiến Thụy, ông Đỗ Đức Hòa cho rằng, do điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và do mặt bằng giá đất, thực tế trên địa bàn các quận từ trước đến nay đều cao hơn địa bàn các huyện. Quan điểm của huyện là luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, tuy nhiên phải theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, UBND huyện đã có báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố xem xét giải quyết khó khăn vướng mắc và bất cập do mức giá đất nông nghiệp trong cùng một Dự án trên địa bàn huyện Kiến Thụy và quận Dương Kinh có sự chênh lệch lớn. Theo đó UBND huyện đã nghị UBND Thành phố xem xét có hỗ trợ khác để đảm bảo số tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp trong dự án này không chênh lệch nhau quá nhiều.
Tuy nhiên, để giải quyết các kiến nghị, đề xuất về vấn đề chênh lệch đền bù giá đất nông nghiệp giữa quận và huyện khi đối chiếu quy định của luật đòi hỏi cần có sự cân nhắc, tìm giải pháp khắc phục giữa Thành phố, Huyện và nhà đầu tư theo từng trường hợp cụ thể. Có như vậy, mới giải quyết được vướng mắc về quyền lợi và dự án mới có thể được triển khai vì sự phát triển của địa phương, Thành phố cũng như Nhà đầu tư.