Tại Hội nghị, lãnh đạo thành phố đã lắng nghe một số ý kiến trong gần 200 doanh nghiệp tham dự. Điểm chung là các ý kiến này đều khá quan ngại về tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Bởi khi phí mới - phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng được áp dụng sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp phải tăng giá dịch vụ. Điều đáng nói, trong khi Hải Phòng ban hành mức phí và tiến hành thu phí này thì các địa phương khác cũng có cảng biển như ở Quảng Ninh thì chưa có động thái gì.
Đặc biệt, thời gian thực hiện việc thu loại phí này quá sát so với thời gian ban hành Nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND, khiến doanh nghiệp không chủ động trong việc đàm phán hợp đồng với đối tác hoặc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của năm 2017. Liên quan đến vấn đề thời gian thu phí, ông Đào Văn Thanh, Sale manager của Công ty TNHH Đông Tài Logistics (doanh nghiệp FDI Hàn Quốc) cho biết, những hợp đồng vận chuyển công ty đã ký với khách từ cách đây 3 tháng và đến 05/01/2017 tới mới về đến Hải Phòng và khi đó, Công ty mới làm thủ tục hải quan. Như vậy, Công ty sẽ bị thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Còn đại diện của công ty Ford Việt Nam thì cho biết, họ biết thông tin quá sát thời điểm thu phí nên không kịp điều chỉnh kế hoạch phân bổ chi phí cho hoạt động này. Công ty này đã có đề nghị nên giãn thời gian bắt đầu thu phí tối thiểu là 6 tháng.
Ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND Hải Phòng phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của HĐND Thành phố về thu phí hạ tầng khu vực Cảng Hải Phòng |
Việc doanh nghiệp đóng thêm loại phí này cũng làm tăng thêm gánh nặng chi phí không nhỏ. Như tính toán của ông Đào Văn Thanh thì trung bình mỗi tháng, Công ty sẽ phải chi trả thêm 100 triệu đồng để đóng phí mới. Còn theo công ty May Tinh Lợi thì công ty sẽ phải cử người và chi thêm chi phí cho nhân lực đi thực hiện các thủ tục để nộp phí. Giả sử với số lượng hàng là được công ty thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2016 bởi 2.368 tờ khai xuất nhập khẩu thì chi phí cho nhân lực thực hiện thêm công việc này là 12,5 triệu đồng/tháng.
Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ tại hội nghị về ý kiến của một doanh nghiệp gửi đến Hiệp hội, hiện nay các hãng tàu đã chi phí nhiều cho việc thực hiện các dịch vụ tại cảng Hải Phòng như phí: THC, CIS, Handing Charge, VGM, phí cầu đường ... Giờ thêm khoản phí sử dụng hạ tầng cảng này nữa sẽ khiến doanh nghiệp thêm khó khăn.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Tường Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng cho biết, khi Công ty thông báo triển khai về loại phí mới này đến các hãng tàu, thì các đối tác đều có những ý kiến quan ngại về thời gian thực hiện các thủ tục để nộp phí. Bởi, hiện tuyến đường đến khu vực Đình Vũ hiện đang có lưu lượng xe rất lớn và thường xuyên ách tắc, nay lại mất thêm thời gian thực hiện các thủ tục này khi điểm thu phí lại không nằm ngay tại các chi cục thuế hoặc ngay tại cảng nơi hàng hóa được thông qua. Điều này vô tình gây phiền hà thêm cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Mặt khác, theo ông Nguyễn Tường Anh, mức phí nộp 20 nghìn đồng/tấn hàng rời là khá cao và họ đang có cân nhắc chuyển sang một số cảng ở địa phương lân cận như cảng Cái Lân ở Quảng Ninh. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cảng khác cũng có cùng lo ngại. Một số doanh nghiệp khác như Công ty Thép Thành Đạt, Công ty TNHH Đông Tài Logistics cũng đều có ý kiến về mức phí hàng rời là cao và đang cân nhắc đến việc di chuyển sang cảng Cái Lân.
Cùng vấn đề này bà Cao Thị Mai Linh, Phó Giám đốc cảng Hoàng Diệu - cảng chủ yếu làm hàng rời cho biết, hiện nay cảng Cái Lân tại Quảng Ninh cũng đã được phép làm hàng rời. Nay thành phố Hải Phòng lại áp dụng loại phí mới với mức phí là 20 nghìn đồng/tấn, buộc doanh nghiệp sẽ phải tăng giá dịch vụ với khách hàng điều này sẽ khiến doanh nghiệp mất khách. Nhiều doanh nghiệp khác cũng lo ngại rằng, nếu mức phí này không có sự thống nhất giữa các địa phương trong khu vực cùng có cảng biển thì các khách hàng của họ sẽ đi sang địa phương khác để bốc dỡ hàng hóa…
Tuy nhiên, kết thúc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã khẳng định là việc thu phí sẽ vẫn tiếp tục được thực hiện như đã định, tức là từ ngày 01/01/2017 và do vướng vào ngày nghỉ lễ nên sẽ bắt đầu từ ngày mừng 03/01. Ông Nguyễn Văn Tùng cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, Thành phố cũng sẽ nghiên cứu để thu phí này đối với các loại hàng hóa thông qua khu vực cửa khẩu cảng hàng không Cát Bi.
Song theo khoản 3, điều 2 của Nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND thì sau 6 tháng thực hiện nghị quyết, căn cứ vào kết quả thực, UBND thành phố sẽ báo cáo Thường trực HĐND thành phố để xem xét điều chỉnh mức thu phí cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Theo tính toán của thành phố Hải Phòng, nếu tổng sản lượng hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng năm 2017 ước bằng năm 2016 là 80 triệu tấn, thì trong năm 2017, thì ngân sách của thành phố sẽ có thêm 1.500 tỷ đồng từ việc thu loại phí mới.