Tổng cục Hải quan vừa ban hành Quy chế đối thoại với người khai hải quan và người nộp thuế. Theo đó, tại Tổng cục Hải quan, định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm phải tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp ít nhất một lần. Còn tại các cục hải quan, việc tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp được tổ chức 3 tháng hoặc 6 tháng/lần.
Trong khi đó, tại chi cục hải quan, việc đối thoại với người khai hải quan, người nộp thuế được thực hiện thường xuyên và tùy theo yêu cầu thực tế, có thể thực hiện tổ chức hội nghị đối thoại để giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh cho doanh nghiệp có hoạt động xuất - nhập khẩu.
| ||
Đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp là nghĩa vụ của cơ quan quản lý thuế |
Việc đối thoại thường xuyên với người khai hải quan, người nộp thuế được tổ chức ngay tại trụ sở của chi cục hải quan được thực hiện hàng ngày, nhưng cơ quan hải quan các cấp phải bố trí cán bộ đủ năng lực và thẩm quyền để tiếp nhận thông tin, giải quyết vướng mắc, kiến nghị do người khai hải quan, người nộp thuế nêu ra.
Kiến nghị về vụ việc cụ thể thuộc trách nhiệm giải quyết của cấp nào, cấp đó phải giải quyết kịp thời; kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền phải được ghi nhận và báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để giải quyết.
Theo ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, đối thoại là nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan hải quan các cấp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn về chính sách và thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho người khai hải quan, người nộp thuế hiểu và thực hiện đúng chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực hải quan.
Đối thoại cũng là cơ hội để doanh nghiệp phản ánh khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất - nhập khẩu; tham gia đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, quy trình, thủ tục liên quan đến lĩnh vực hải quan.
Vẫn theo ông Cường, trong phạm vi, quyền hạn của mình, cơ quan hải quan các cấp phải có trách nhiệm trả lời, giải quyết đúng thời hạn theo quy định những nội dung được nêu ra trong và sau đối thoại.
Những vấn đề vướng mắc về chính sách, chế độ vượt quá thẩm quyền giải quyết, đơn vị tổ chức đối thoại phải báo cáo kịp thời lên cấp trên để xin chủ trương giải quyết. Những kiến nghị thuộc trách nhiệm của cơ quan, ban ngành khác thì phải chuyển đến cơ quan, ban ngành đó để giải quyết theo thẩm quyền và thông báo cho người nêu kiến nghị biết.
Đối thoại với người khai hải quan, người nộp thuế không chỉ là cơ hội để cơ quan hải quan tiếp nhận vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật về hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất - nhập khẩu của doanh nghiệp, mà còn là điều kiện để cơ quan hải quan phát hiện những thiếu sót, vi phạm của cán bộ, công chức hải quan để có biện pháp xử lý kịp thời.
Mạnh Bôn