Tình huống ở một DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu thủy sản. Nhận thấy khi TPP có hiệu lực, thủy sản sẽ là một trong những lĩnh vực được hưởng nhiều lợi thế, CEO đã xúc tiến nghiên cứu ngay các phương án để có thể nắm bắt thành công các cơ hội khi thị trường TTP rộng mở, trong đó có việc dành tiền để dự phòng rủi ro. “Nếu không, trước những biến động khó lường có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, DN sẽ không thể xoay sở, thiệt hại nặng nề, thậm chí có thể dẫn tới thất bại”, CEO nói.
Tuy nhiên, các cổ đông lại phản ứng và cho rằng, nếu DN có các công cụ tài chính tốt, có khả năng dự đoán và quản trị tài chính chủ động thì khoản tiền này không cần phải có. Trong khi đó, để một khoản tiền nằm chờ như vậy sẽ khiến đồng tiền bị “chết”. “Chỉ cần thuê tư vấn về thiết lập trước các phương án ngăn ngừa rủi ro”, các cổ đông thống nhất như vậy.
Các chuyên gia sẽ hiến kế cho CEO trong xử lý tình huống dự phòng rủi ro về tài chính |
Chỉ là một tình huống giả định, song rõ ràng là mối quan tâm rất lớn của DN, nên ngay sau khi Chương trình phát sóng, rất đông khán giả đã bình luận về hướng xử lý của CEO trên fanpage của Chương trình. Nhiều người đồng tình với CEO, nhưng cũng có người phản đối và ủng hộ quan điểm của các cổ đông.
“Tất nhiên, làm kinh doanh là phải dự đoán trước rủi ro, nhưng ai biết được chữ ngờ, cho nên dự trù một khoản tài chính để xử lý một khi gặp rủi ro là điều nên làm. Nhưng vấn đề là cố gắng hạn chế thấp nhất rủi ro để bảo toàn nguồn quỹ và sử dụng một cách hiệu quả”, khán giả Nguyễn Văn bày tỏ quan điểm.
Trong khi đó, bạn Minh Anh khẳng định, nên thuê tư vấn để thiết lập các phương án ngăn ngừa rủi ro hơn là để một khoản tiền chết như vậy.
Cũng có người lại đề xuất phương án khác. Chẳng hạn, bạn Phạm Nhật Khánh cho rằng, cần phải có cả dự phòng và khả năng quản trị tài chính tốt, vì chuẩn bị tốt thì chẳng bao giờ là thừa…
“Vấn đề của DN là cần phải có chiến lược, phải có các công cụ khác nữa, giải pháp cuối cùng mới dùng đến là tài chính. Quy trình sản xuất - kinh doanh cần phải được xem xét, kể cả nhân sự, nhà cung ứng... Phải làm tốt các khâu này thì mới đảm bảo chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh. Nếu làm tốt thì sẽ không cần phải có dự trữ tiền như CEO đưa ra. Hơn nữa, chưa chắc lượng tài chính mà CEO dự phòng đã đủ để hạn chế các rủi ro mà DN gặp phải khi các quy trình sản xuất - kinh doanh của DN không làm tốt”, bạn Vietstar Window bày tỏ.
Mỗi người một quan điểm và ai cũng có lý của mình. Vậy đâu sẽ là hướng giải quyết hữu hiệu?
Phần hai của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, với chủ đề “Tài chính thời TPP - Quản trị rủi ro” sẽ tiếp tục được phát sóng vào 10h sáng Chủ nhật tuần này trên VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam (phát lại vào 8h sáng thứ Hai, ngày 7/3/2016). Và như thông lệ, phần hai sẽ có sự xuất hiện của các chuyên gia tư vấn.
Lần này, hai chuyên gia Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM và GS. Hà Tôn Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổ hợp Đào tạo và Tư vấn quốc tế Stellar Management sẽ cùng phản biện và tư vấn chính sách cho CEO trong xử lý tình huống dự phòng rủi ro về tài chính. Với kinh nghiệm của mình, hai vị chuyên gia này chắc chắn sẽ có những hiến kế tuyệt vời cho các DN Việt Nam gặp phải tình huống tương tự.