. |
Đẩy mạnh xử lý nợ xấu
Phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm nhiệm vụ ngành ngân hàng trên địa bàn TP.HCM năm 2019 diễn ra ngày 23/1, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, nợ xấu tuy đã phần nào được xử lý, nhưng chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh xử lý nợ xấu, ngăn chặn tình trạng nợ xấu tăng.
Đầu năm nay, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, với lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ yêu cầu có giải pháp để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà. Đồng thời, phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% và tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) về dưới mức 5%, giảm nhiều so với hiện nay.
Liên quan nợ xấu, năm 2019 là năm cuối của lộ trình 5 năm nợ xấu mà các ngân hàng đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Theo đó, nợ xấu sẽ quay trở lại ngân hàng, nếu chưa được xử lý. Đến nay, cả hệ thống chỉ mới có 5 nhà băng tất toán xong trái phiếu VAMC, gồm:
Vietcombank, VIB, Techcombank, MB, ACB. Các ngân hàng còn lại đang nỗ lực xử lý. Tuy nhiên, thực hiện nhiệm vụ này không dễ, nhất là với ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao.
Tín dụng khó tăng cao
Để hạn chế nợ xấu tăng và kiểm soát chất lượng tín dụng, chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là hướng dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, hạn chế tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực có rủi ro cao, trong đó có bất động sản. Đó cũng là lý do thời gian qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoReA) liên tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước về việc nới thời gian giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống còn 40% thêm một năm, nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, thời gian qua, không ít kiến nghị từ các hiệp hội bất động sản về việc mở rộng tín dụng ở lĩnh vực này, song chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có bất động sản.
Theo Phó thống đốc, thực tế nợ xấu tăng cao trong những năm trước đã để lại hậu quả cho ngành ngân hàng, trong đó một phần do một số ngân hàng đã mạnh tay cho vay bất động sản. Nhiều khoản nợ liên quan đến tài sản thế chấp là bất động sản nay cũng chưa thể giải quyết, thu hồi nợ.
Bên cạnh đó, một hoạt động khác cũng cần kiểm soát chặt là tín dụng tiêu dùng. Tín dụng tiêu dùng có xu hướng tăng cao trong thời gian qua. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, năm 2015, dư nợ tín dụng thuộc lĩnh vực này trên địa bàn chiếm 12,73%, năm 2016 là 82,9% và năm 2017 chiếm 18,36% tổng dư nợ tín dụng. Tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng trong năm qua. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM nhấn mạnh, cần phát huy mặt tích cực hoạt động tín dụng này, song phải đảm bảo kiểm soát rủi ro, hạn chế những tồn tại phát sinh liên quan đến lãi suất, phương thức thu hồi nợ, quản lý nợ.
Ngoài ra, với quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) dự kiến giảm từ 9% xuống 8% theo chuẩn Basel II, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Tuy CAR giảm, nhưng các điều kiện quy định trong Basel II khắt khe hơn, có liên quan đến tổng tài sản có, rủi ro về lãi suất, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động.
Số liệu vừa công bố của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho thấy, giá trị nợ xấu xử lý năm 2018 tăng 30% so với năm 2017.
Cơ quan này dẫn báo cáo từ các tổ chức tín dụng cho thấy, năm 2018, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam giảm nhẹ, xuống mức 2,4% (năm 2017 là 2,5%). Trong khi đó, dự phòng rủi ro tín dụng tăng 30,1% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu báo cáo tăng lên mức 78,2% (năm 2017 là 65,4%), nhưng không bao gồm nợ xấu đã bán cho VAMC.