Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài – Cục Quản lý cạnh tranh- Bộ Công Thương cho biết, theo thông tin từ trang tin điện tử Yongnap của Hàn Quốc, Ủy ban Thương mại Hàn Quốc (KTC) đã ban hành kết luận sơ bộ cho rằng, có đầy đủ bằng chứng về hành vi bán phá giá đối với sản phẩm hợp kim Ferro-Silico-Managnese nhập khẩu từ Việt Nam, Ukraine và Ấn Độ.
Hành vi bán phá giá theo kết luận của KTC đã gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
KTC sẽ kiến nghị Bộ Tài chính áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 6.08% - 32.32% đối với sản phẩm hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ... |
Căn cứ trên kết luận này, KTC sẽ kiến nghị Bộ Tài chính áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 6.08% - 32.32% đối với sản phẩm nhập khẩu nói trên.
Được biết, KTC sẽ tiến hành thẩm tra tại chỗ các doanh nghiệp và tổ chức buổi điều trần trong thời gian tới trước khi ban hành kết luận cuối cùng dự kiến vào tháng 7 năm 2017.
Trước đó, ngày 7 tháng 12 năm 2016, KTC đã ra thông báo quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng hợp kim Ferro-Silico-Manganese nhập khẩu từ Việt Nam, Ukraine và Ấn Độ theo điều 60.3 của Luật Hải quan Hàn Quốc.
Nguyên đơn trong vụ việc này là Dongbu Metal, Simpac Metal, Simpac Metalloy và Taekyung Industrial.
Sản phẩm bị cáo buộc: Hợp kim Ferro-Silico-Manganese có mã HS: 7202.30.0000.
Giai đoạn điều tra phá giá: 1/7/2015 – 30/6/2016 (có thể được điều chỉnh sau khi xem xét ý kiến của nguyên đơn và bị đơn, việc phát hiện thông tin mới và nguồn lực của cơ quan điều tra).
Giai đoạn điều tra thiệt hại: 1/1/2013 – 30/6/2016 (có thể kéo dài tới giai đoạn có thông tin sẵn có, nếu cần thiết)
Thời gian qua, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam liên tục bị các quốc gia nhập khẩu dựng hàng rào thương mại để bảo vệ hàng sản xuất trong nước, trong đó, thép là ngành bị khởi kiện và áp thuế chống bán phá giá nhiều nhất.
Thống kê cho thấy, từ năm 2007 đến nay thép Việt Nam xuất khẩu phải đối mặt với khoảng 30 vụ kiện, trong đó, có 18 vụ kiện chống bán phá giá, 4 vụ kiện chống trợ cấp và 4 vụ kiện áp dụng biện pháp tự vệ từ rất nhiều nước ở khác các châu lục: Hoa Kỳ, Canada, EU, Úc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ.