Năm 2014, các lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 21.645 vụ buôn lậu hàng giả, trong đó có nhiều vụ việc nghiêm trọng được phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, con số này chỉ là phần nổi, còn một lượng lớn hàng giả được vận chuyển, lưu thông trên thị trường, do sự hạn chế về lực lượng của cơ quan chức năng, vẫn chưa thể xử lý được.
Các mặt hàng tiêu dùng bị làm giả nhiều nhất, như mới đây các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã bắt giữ lô hàng giả tới 25.900 gói dầu gội đầu giả nhãn hiệu Clear. Một số mặt hàng thực phẩm chức năng cũng thường bị làm giả. Tháng trước, công an TP. Hà Nội đã bắt giữ lô sữa ong chúa giả do Nguyễn Tuấn Linh, hộ khẩu thường trú tại Vinh, Nghệ An, chở đi tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội.
|
Bất cứ mặt hàng tiêu dùng nào cũng có thể bị làm giả |
Ở góc độ quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết, năm 2014 đã phát hiện, xử lý gần 17.400 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Hàng giả gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp. Tập đoàn Hoa Sen cho biết, năm 2014, nạn hàng giả đã khiến Tập đoàn thiệt hại khoảng 118 tỷ đồng, tương ứng với 2,6% thị phần.
Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái cũng cho hay, đã nhiều lần gửi đơn đến cơ quan công an và quản lý thị trường phản ánh về tình trạng nhiều sản phẩm giả, nhái nhãn hiệu Cuckoo đang được rao bán trên một số website mua bán trực tuyến, đặc biệt là hai dòng sản phẩm ấm siêu tốc và nồi cơm điện.
Tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Cuckoo là nhãn hiệu đồ gia dụng do Phú Thái phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam.
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng, tại Việt Nam vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang diễn biến rất nghiêm trọng.
Bất cứ mặt hàng nào cũng có thể bị làm giả, trong đó mỹ phẩm, hàng dệt may, giày dép, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, rượu bia, nước giải khát, bột giặt, vật tư nông nghiệp, dây cáp điện… nằm trong nhóm 30 mặt hàng bị làm giả trầm trọng. Hậu quả của vấn nạn này là người tiêu dùng Việt Nam đã mất oan rất nhiều tiền bạc khi mua phải hàng giả.
Theo ông Bảo, hàng giả, hàng nhái là vấn nạn của tất cả mọi quốc gia trên thế giới, và đặc biệt nghiêm trọng với các quốc gia kém phát triển. Khoảng 2.000 tỷ USD giá trị hàng giả được lưu chuyển trên thị trường thế giới mỗi năm.
“Trước đây, một sản phẩm bị làm giả thường phải mất 6 -7 tháng, thì hiện nay thời gian làm giả chỉ mất khoảng 1 tháng, thậm chí chỉ 1, 2 tuần. Ngoài ra, kỹ thuật, thủ thuật làm giả cũng ngày càng tinh vi, làm giả không chỉ sản xuất ở trong nước mà còn đặt hàng ở nước ngoài rồi chuyển về Việt Nam tiêu thụ”, ông Bảo nói.
Sự tinh vi và nhanh đến chóng mặt của hàng giả, hàng nhái, đặt người tiêu dùng và các cơ quan quản lý vào tình thế khó khăn. Người tiêu dùng khó phân biệt được hàng giả, hàng thật khi mua bán, còn cơ quan quản lý Nhà nước phải vất vả hơn nhiều trong việc bắt giữ, xử lý vấn nạn này.
Ở góc độ môi trường kinh doanh, vấn nạn hàng giả còn làm ảnh hưởng đến chỉ số cạnh tranh của Việt Nam, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, việc xử lý hàng giả hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Đức Vĩnh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) cho biết, hàng năm, đơn vị tiếp nhận nhiều vụ việc từ phía Quản lý thị trường nhưng không tiến hành khởi tố được, do hệ thống văn bản pháp lý chưa đồng bộ, phương tiện đấu tranh còn hạn chế.
Nhiều trường hợp, cơ quan chức năng không thể xác định được hàng giả do thiếu sự vào cuộc của nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, chế tài xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái còn nhẹ, nên tình trạng sản xuất, vận chuyển hàng giả ngày càng gia tăng và khó kiểm soát.
Để chống nạn hàng giả, các doanh nghiệp cần vào cuộc tích cực hơn, hỗ trợ các lực lượng chức năng cũng như người tiêu dùng trong việc phân biệt hàng thật, hàng giả. Bản thân người tiêu dùng cần cẩn trọng hơn trong các quyết định mua sắm để hạn chế tối đa việc mua nhầm hàng giả.