Doanh nghiệp
Hàng không nội địa: Tần suất bay dày hơn cả xe đò
Anh Minh - 22/08/2015 08:45
Thị trường hàng không Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng lên tới hơn 20% trong những tháng đầu năm, nhưng không vì thế mà cuộc đua giành thị phần bớt khốc liệt.

Cả nhà đều vui

Như thông lệ, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) vẫn là đơn vị hoàn tất các số liệu kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2015 sớm nhất và đầy đủ nhất. Bất chấp tình hình cạnh tranh rất gay gắt, hạ tầng sân bay còn hạn chế, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa thực sự phục hồi, nhưng kết quả kinh doanh trong 6 tháng qua của Vietnam Airlines là rất ấn tượng.

“Các chỉ tiêu quan trọng liên quan sản lượng và thu bán đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra”, ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines thông tin.

Cuộc cạnh tranh trên thị trường hàng không nội địa đang diễn ra ngày càng gay gắt. Ảnh: Đ.T

 

Về sản lượng vận chuyển khách, tính chung 7 tháng đầu năm, Tổng công ty vận chuyển được hơn 10 triệu lượt khách, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2014, vượt 3,1% kế hoạch 7 tháng và đạt 61,1% kế hoạch năm, trong đó đường bay quốc tế tăng 10% và đường bay nội địa tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Đến cuối tháng 6, thị phần vận chuyển khách nội địa của Vietnam Airlines 50,33%, chưa tính đến hai công ty hàng không có vốn góp khác là Jetstar Pacific (JPA) và Công ty cổ phần Bay dịch vụ - VASCO; thị phần vận chuyển khách quốc tế đạt 38,55%. Tính chung, thị phần của hãng hàng không quốc gia đạt 38,55% tổng thị trường, tiếp tục vị thế dẫn đầu trong số hơn 40 hãng hàng không đang hoạt động tại Việt Nam.

Vietnam Airlines cho biết, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty đạt 430,25 tỷ đồng, bằng 70% kế hoạch năm.

Trong khi đó, đối thủ chính của Vietnam Airlines tại thị trường nội địa là Vietjet vừa công bố doanh thu trong 6 tháng đầu năm trên 5.700 tỷ đồng, vận chuyển trên 4 triệu lượt khách, với 25.788 chuyến bay an toàn, với mức tăng trưởng lên tới 205% so với cùng kỳ năm 2014.

Mặc dù vẫn đang “ẩn” những chỉ số kinh doanh quan trọng nhất, đặc biệt là lợi nhuận, nhưng ông Lưu Đức Khánh – CEO Vietjet khẳng định, kết quả này đủ để làm hài lòng những cổ đông khó tính nhất.

Trước đó, lần đầu tiên sau 8 năm, hãng hàng không chi phí thấp Jetstar Pacific (JPA) - liên doanh giữa Vietnam Airlines và Qantas đã mang lại dòng lợi nhuận dương.

Giành và giữ

Hiện đang có sự chênh lệch nhỏ khi công bố số liệu về tốc độ tăng trưởng thị trường hàng không, đặc biệt là về nội địa trong 6 tháng qua – nơi đang diễn ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các hãng hàng không Việt Nam (Vietjet: 26%, Vietnam Airlines: 22,7%, trong khi đó, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng tốc độ này là 24,1% so với cùng kỳ năm 2014). Ngay cả khi “chốt” ở mức 20% thì đây vẫn là con số tăng trưởng rất lớn. Chỉ số tăng trưởng tích cực này cùng với việc giá nhiên liệu trong 6 tháng qua khá ổn định đã tạo nền tảng cho các hãng hàng không có được kết quả kinh doanh tích cực.

Tuy nhiên, cuộc đua giành thị phần thị trường nội địa hiện vẫn rất gay gắt khi tốc độ tăng trưởng hành khách và hàng hóa vẫn chậm hơn tốc độ bổ sung tàu bay của các hãng. Cụ thể, trong 6 tháng qua, đội tàu bay của Vietjet tăng 6 chiếc, lên 26 chiếc và sẽ còn tăng lên trong 6 tháng tới; Vietnam Airlines, ngoài chiếc A350 vừa nhận vào tháng 7, cũng sẽ nhận thêm 3 chiếc A321 và 4 B787 trong năm 2015; JPA nhận thêm 1 chiếc A320, lên 11 chiếc.

Các đường bay trục Bắc - Nam đang được các hãng đang được các hãng khai thác tối đa. Chưa bao giờ, tuyến Hà Nội - TP.HCM hàng ngày có tới hơn 50 chuyến bay, giữa TP.HCM - Đà Nẵng có trên dưới 30 chuyến bay mỗi ngày.

“Tần suất bay như vậy còn dầy hơn cả xe đò”, lãnh đạo Vietjet đánh giá.

Điều đáng nói là, Vietnam Airlines vẫn đang mất dần thị phần vào các hãng hàng không khác (bao gồm cả JPA mà hiện hãng hàng không quốc gia nắm 70% vốn điều lệ). Trong 7 tháng qua, thị phần khách quốc tế của Vietnam Airlines giảm tiếp 1,9 điểm; thị phần khách nội địa giảm 9,5 điểm so với cùng kỳ 2014. Mức giảm điểm này đã vượt cả kế hoạch cả năm 2015 này sẽ buộc Vietnam Airlines sẽ phải triển khai các kế hoạch mới trong 6 tháng cuối để có thể giữ trước khi có thể giành lại thị phần cho cả hãng hàng không mẹ và các hãng hàng không thành viên có vốn góp.

Theo nhận định của một chuyên gia, nhiều khả năng, thị trường vận chuyển hàng không nội địa cuối năm 2015 sẽ chứng kiến một cuộc so kè quyết liệt giành khách giữa Vietnam Airlines và Vietjet. Tuy nhiên, việc hình thành thế lưỡng cực tại thị trường khách nội địa chưa thể hình thành do Vietnam Airlines, ngoài việc là cổ đông lớn tại hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific, còn có lợi thế rất lớn từ việc sở hữu các dịch vụ hậu cần hoàn chỉnh với nhiều lĩnh vực đang cho lợi nhuận cao. Hãng cũng đang tái cơ cấu quyết liệt để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh sau khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Bản thân Vietjet nếu không cải thiện hơn nữa tỷ lệ các chuyến bay đúng giờ - OTP (hiện ở mức 16,7%), thì sẽ khó giữ chân các khách hàng là doanh nhân, công chức từ các bộ, ngành những người có yêu cầu cao về thời gian di chuyển.

Theo lãnh đạo một hãng hàng không, để tăng thị phần không khó, chỉ cần tăng đội bay, giảm giá vé là có thể hút được khách, nhưng doanh thu nhỏ hơn chi phí bỏ ra vẫn là một thách thức rất lớn cho bất kỳ hãng hàng không nào.

Tin liên quan
Tin khác