Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú |
Vốn cho dự án cao tốc Bắc Nam nói riêng và vốn cho các dự án BOT giao thông nói chung đang là vấn đề rất nóng.
Tại cuộc họp báo thông tin về hoạt động ngân hàng quý III/2019 diễn ra sáng nay (1/10), Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, hiện nay, rất nhiều dự án BOT đang thiếu vốn và muốn được ngân hàng tài trợ vốn. Cụ thể, tuyến cao tốc Lạng Sơn - Cửa khẩu Hữu Nghị cần hơn 8.000 tỷ đồng, Dự án đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đề xuất 20.000 tỷ, tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu cần 22.000 tỷ đồng… Đây mới là các dự án BOT phía bắc, chưa nói đế việc nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường cao tốc ở phía Nam. Cao tốc Bắc Nam
“Ai cũng nghĩ làm dự án BOT thì phải huy động vốn từ ngân hàng. Chúng tôi thấy rằng, tham gia những dự án cao tốc, những dự án BOT giao thông là quyết tâm rất cao, rất nỗ lực của các ngân hàng thương mại. Thứ nhất, các ngân hàng thương mại hiện nay đa phần là huy động vốn ngắn hạn, nhưng cho vay các dự án BOT giao thông lại chủ yếu dài hạn. thứ hai, các dự án BOT giao thông đòi hỏi vốn lớn, lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Thứ ba, cho vay BOT, các ngân hàng cũng bị giới hạn ở tỷ lệ nhất định do vướng quy định về tỷ lệ vốn tự có và hệ số an toàn vốn (CAR)”.
Theo lãnh đạo NHNN, để có thể đẩy mạnh cho vay BOT, ngân hàng thương mại cần được phải bổ sung vốn điều lệ. Nhiều năm qua, việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước vẫn đang bế tắc. Tuy nhiên, ngay cả khi gỡ được vấn đề tăng vốn, thì việc rót 5.000 – 7.000 tỷ cho vay dự án BOT với một ngân hàng là không hề dễ dàng.
Trước đó, rất nhiều nhà đầu tư kêu ca về việc ngân hàng gây khó khi vay vốn thực hiện các dự án BOT giao thông. Ông Hồ Minh Hoàng, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, thực hiện các dự án cao tốc, nỗi lo lớn nhất của các nhà đầu tư là khó tiếp cận vốn ngân hàng vì doanh nghiệp sẽ phải vay khoảng 60-70% tổng vốn đầu tư dự án. Tuy nhiên, các ngân hàng trong nước thường ưu tiên cho vay thương mại, bất động sản và siết chặt cho vay các dự án hạ tầng giao thông.
Ông Hoàng dẫn chứng dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang bị phía ngân hàng yêu cầu chủ đầu tư phải có 36% tổng vốn dự án thì ngân hàng mới giải ngân mặc dù triển vọng thu hồi vốn của dự án này khá tốt. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng cho rằng, Chính phủ cần yêu cầu các ngân hàng vào cuộc.
Liên quan đến vấn đề này, NHNN cho hay, dự án Trung Lương – Mỹ thuận đang thực hiện bằng vốn tự có của doanh nghiệp và vốn của ngân sách, vốn vay được chủ đầu tư sử dụng sau cùng để giảm gánh nặng lãi. Số vốn vay đã được ngân hàng, doanh nghiệp tính toán, thống kê và đã thống nhất sớm ký kết, không có vướng mắc gì.
Chính vì vậy, quan điểm của NHNN với tín dụng BOT nói chung và dự án cao tốc Bắc Nam nói riêng là ngành ngân hàng có ý thức trách nhiệm và rất quan tâm đến vấn đề này. “Ngành ngân hàng sẽ cố gắng tối đa trong điều kiện đảm bảo an toàn với tổ chức tín dụng và khả năng cung ứng vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời trong điều kiện các chính sách với BOT được hoàn thiện, đặc biệt là chính sách về thu phí, giá cả…”, Phó Thống đốc khẳng định.