Bộ Giao thông - Vận tải vừa chủ động phát công văn mời Kiểm toán Nhà nước sớm vào kiểm toán Dự án BOT Xây dựng đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn II trên cơ sở đề xuất của chính nhà đầu tư công trình này. |
Đây không phải là lần đầu tiên, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước sớm vào “soi” dự án của mình. Trước đó, vào năm 2016, khi Dự án Xây dựng đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn I sắp đưa hoàn thành, nhà đầu tư này đã liên tục mời Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước vào giúp phát hiện những sai sót trong quá trình thực hiện để có thể kịp thời chỉnh sửa trước khi quyết toán công trình.
Từng vướng khá nhiều rắc rối trước nghi vấn liên quan đến hoạt động thu phí, nhà đầu tư Dự án Xây dựng đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chắc chắn ý thức được phải làm đúng và minh bạch các thông tin được xác nhận bởi cơ quan Kiểm toán Nhà nước trong suốt vòng đời công trình dự kiến kéo dài cả chục năm.
Tuy nhiên, từ việc phải làm đúng tiến tới có nhu cầu làm đúng là một hành trình rất dài, bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức của các chủ thể dự án BOT giao thông, đặc biệt là nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngay từ năm 2014, khi đại công trình mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên mới bắt đầu triển khai, Bộ trưởng Bộ GTVT (khi đó là ông Đinh La Thăng) đã có Văn bản số 4771/BGTVT- TC gửi Kiểm toán Nhà nước đề nghị kiểm toán các dự án này.
Lý do được Bộ GTVT đưa ra là để giúp các chủ đầu tư/ban quản lý Dự án và các đơn vị liên quan kịp thời chấn chỉnh các tồn tại ngay trong quá trình thi công, tuân thủ các quy định quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, phòng ngừa, ngăn chặn những sai sót ngây thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thi công; qua đó đẩy nhanh quá trình thực hiện các dự án, thực hiện công khai, minh bạch trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.
Cho đến bây giờ, mời kiểm toán, thanh tra vào cuộc trước khi tiến hành quyết toán công trình đã trở thành chủ trương xuyên suốt, nhất quán của ngành GTVT trong quá trình triển khai các dự án BOT giao thông.
Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT, từ chỗ khó chịu, phàn nàn về việc bị thanh tra, kiểm toán nay đã trở thành một nhu cầu thiết thân.
Không chỉ Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, một số nhà đầu tư lớn cũng đã chủ động mời các cơ quan có chức năng thanh tra, giám sát vào cuộc khi dự án vẫn đang trong giai đoạn triển khai như Công ty cổ phần Đèo Cả, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn để được khuyến nghị làm chính xác, cho tốt hơn, tránh những sai sót, vi phạm có thể xảy ra. Đối với những dự án BOT, việc để sót những lỗi vi phạm sau giai đoạn quyết toán đồng nghĩa với khả năng xảy ra thất thoát, tư túi có thể khiến nhà đầu tư đứng trước nguy cơ lao lý và bị dư luận xã hội phản ứng gay gắt.
Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư mong cơ quan kiểm toán, thanh tra cần công tâm hơn nữa khi đánh giá các dự án BOT. Đó không chỉ là chỉ ra những sai sót, khiếm khuyết về khối lượng, chất lượng, thủ tục pháp lý tại các dự án, mà còn là việc giám sát, đánh giá công tác triển khai các cam kết của Nhà nước đối với nhà đầu tư được xác lập trong các hợp đồng BOT.
Các đoàn kiểm toán, thanh tra cũng cần cơ chế, công cụ đo lường được các lợi ích, hiệu quả từ dự án mang lại, qua đó đưa ra những đánh giá khách quan về việc triển khai công trình BOT, giúp cộng đồng xã hội có nhận thức đầy đủ về lĩnh vực PPP. Quan trọng hơn, việc kiểm tra, giám sát phải vì mục tiêu chung là hỗ trợ thúc đẩy dự án thông qua việc kịp thời kiến nghị sửa đổi các quy định không phù hợp, lỗi thời, tạo động lực động viên các nhà đầu tư có nhu cầu được làm đúng.
Đối với các kết luận thanh tra, kiểm toán, các cơ quan chức năng cần sớm công khai minh bạch đầy đủ, có giải thích rõ ràng đối với từng khuyến nghị để người dân hiểu rõ bản chất, tạo sự đồng thuận cao, nhất là các số liệu liên quan đến giảm trừ khối lượng, thanh toán hay việc tăng, giảm mức phí, thời gian thu phí BOT…