Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau ngày 31/10/2021, cơ chế giá FIT cho điện gió sẽ hết hạn. |
Đếm ngược từng ngày
Số liệu mới nhất do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố vào cuối tháng 9/2021 cho thấy, chỉ có 6 nhà máy điện gió với tổng công suất 272,4 MW đã được công nhận vận hành thương mại (COD). Trong khi đó, có tới 106 dự án điện gió với tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD là 5.655,5 MW đăng ký vận hành thương mại để kịp hưởng giá mua điện ưu đãi, cố định trong 20 năm (cơ chế giá FIT). Như vậy, chưa đầy 4,82% công suất đăng ký đã cán đích, trong khi thời gian còn lại chỉ vài tuần.
Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau ngày 31/10/2021, cơ chế giá FIT cho điện gió sẽ hết hạn. Theo báo cáo của ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương mới đây, Bộ Công thương sẽ không xem xét hay kiến nghị cấp cao hơn gia hạn cho các dự án điện gió hưởng giá FIT sau thời hạn trên.
Các biện pháp giãn cách để hạn chế lây lan trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua đã làm chậm tiến độ các dự án. Riêng việc nhập khẩu thiết bị, một số chủ dự án cho biết, thời gian thông quan kéo dài thêm tới 2 tuần.
Dự án Ea Nam tại Đắk Lắk là một trong 6 dự án bắt đầu được công nhận vận hành thương mại, nhưng phần công suất đã nhận COD mới đạt 12,6 MW trên mức tổng 400 MW. Trong quá trình triển khai, việc vận chuyển hàng gây lây lan dịch do không có biện pháp kịp thời cách ly y tế khi phát hiện ca nhiễm còn khiến chủ đầu tư dự án này bị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị xử lý trách nhiệm.
Chưa kể, với đặc thù hàng siêu trường siêu trọng, việc vận chuyển không dễ. Đã không ít trường hợp lật xe chở cánh quạt điện gió ngay trên các tuyến quốc lộ. Nỗ lực để về đích đúng hẹn, thậm chí đã có nhà đầu tư điện gió Việt Nam phải chấm dứt hợp đồng EPC với nhà thầu nước ngoài do đối tác không thiện chí hợp tác, không quyết tâm thực hiện dự án, cố tình chối bỏ nghĩa vụ theo hợp đồng EPC.
Bên cạnh nhân lực, vật lực, thì dòng vốn rất lớn cũng đã dồn dập đổ vào các dự án điện gió, đặc biệt từ đầu năm 2021 tới nay. REE Corp đang triển khai 3 dự án điện gió với tổng công suất hơn 102 MW. Số tiền mà “ông lớn” ngành năng lượng này đã giải ngân cho điện gió đến cuối quý II/2021 là 1.243 tỷ đồng, trong đó, riêng nửa đầu năm 2021 đầu tư hơn 1.060 tỷ đồng. Điện Gia Lai cũng đầu tư thêm 2.453 tỷ đồng, nâng tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang vào 3 dự án điện gió lên 2.756 tỷ đồng. Tuy vậy, vẫn chưa có phần công suất nào từ hai công ty này được nhận COD.
Tập trung dồn nguồn lực cho dự án, nhưng yếu tố khách quan là dịch bệnh đã đặt ra những thách thức lớn cho cuộc đua vốn đã khó lại càng khó hơn khi thời gian đang đếm ngược từng ngày.
Cập nhật tình hình đầu tư tại một số dự án điện gió. |
Bất định biến số đầu ra
Đại dịch đã giáng một đòn lớn vào ngành năng lượng điện gió đang phát triển bùng nổ không chỉ tại Việt Nam, mà còn trên toàn cầu. Chỉ riêng tiến độ kéo dài vì nhiều hoạt động bị đóng băng sẽ làm tăng chi phí, đe dọa khả năng tài chính của dự án do đi lệch kế hoạch ban đầu.
Câu chuyện điện gió tại Việt Nam đặc thù hơn khi gắn với cơ chế giá FIT. Trong danh sách công bố đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Hà Đô là doanh nghiệp niêm yết duy nhất đã gần như chắc chắn hoàn thành dự án để hưởng mức giá ưu đãi cho toàn bộ 50 MW công suất.
Lãnh đạo tập đoàn này cho biết, ngoài 33,4 MW đã nhận COD, Dự án 7A Thuận Nam còn 4 trụ tua-bin điện gió đang chạy tin cậy (72h) và dự kiến có thể phát điện toàn bộ vào ngày 15/10.
Với những trường hợp không thể cán đích, Bộ Công thương sẽ đề xuất với cấp có thẩm quyền về cơ chế để chủ đầu tư thương thảo với bên mua điện, dựa trên nguyên tắc chi phí, vốn đầu tư, vận hành bảo dưỡng nhà máy để xác định giá mua điện.
Tại cuộc họp cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Công thương cho biết, bộ này “đang khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng” về các dự án điện gió trong thời gian tới, theo hướng phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Điện lực. Một cách thức xác định giá cụ thể đến nay vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Cũng phải nhắc lại rằng, cơ chế giá FIT đã từng triển khai với dự án điện mặt trời. Thực tế, các dự án hoàn thành sau hạn chót hưởng giá ưu đãi (31/12/2020) còn chưa được thanh toán tiền điện do chưa có giá mua điện mới sau khi cơ chế giá FIT hết hiệu lực. Ngoài rủi ro về giá bán điện, các dự án hoàn thành sau hạn chót còn đối mặt với khả năng chậm thanh toán do tồn tại “khoảng trống” mà chính sách hiện tại chưa quy định.
Nỗi lo dòng tiền
Vốn vay được sử dụng rộng rãi tại các dự án điện gió. Như với REE Corp, xấp xỉ 578 tỷ đồng (tương đương 59% chi phí đã đầu tư cho 2 dự án điện gió đến ngày 30/6/2021) là từ nguồn vay của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB). Hai dự án điện gió Ia Bang 1 và Phú Đông 2 của Công ty Điện Gia Lai sử dụng hơn 910 tỷ đồng từ nguồn tiền vay ngân hàng trong nước, với lãi suất được tính từ ngày giải ngân đầu tiên.
Một kênh huy động vốn nữa là phát hành trái phiếu. Cuối tháng 8/2021, chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Hòa Đông 2 đã phát hành trái phiếu riêng lẻ, bổ sung thêm 1.165 tỷ đồng nguồn vốn cho dự án.
Trong khi dòng tiền thu về có thể trễ hẹn, thì các khoản chi trả lại không thể giãn ra, nhất là với nguồn vốn từ kênh tín dụng hay trái phiếu đang được nhiều chủ đầu tư sử dụng. Chỉ xét riêng khoản trái phiếu 1.165 tỷ đồng của Công ty Điện gió Hòa Đông 2, lộ trình thanh toán phần gốc trái phiếu đã quy định từng năm trong giai đoạn 2023 - 2032, trong đó, 25 tỷ đồng sẽ phải chi trả ngay năm 2023.
Việc gián đoạn sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp khi các khoản thu - chi đi lệch khỏi kế hoạch đề ra ban đầu, mà hậu quả lớn nhất có thể là việc không còn khả năng thanh toán. Đặc biệt khó khăn với những doanh nghiệp chỉ trông chờ vào nguồn thu duy nhất từ dự án đang đầu tư.