Dự án 7A Thuận Nam đã được công nhận COD đối với phần công suất 33,4 MW |
Theo thông tin cập nhật về tình hình công nhận vận hành thương mại (COD) đối với các nhà máy điện gió đến ngày 30/9/2021 do Tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) vừa công bố, dự án 7A Thuận Nam đã được công nhận COD đối với phần công suất 33,4 MW. Tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD của dự án này là 50 MW.
Chia sẻ với Báo điện tử Đầu tư, đại diện Tập đoàn Hà Đô - chủ đầu tư dự án cho biết, dự án còn 4 trụ tuabin điện gió đang chạy tin cậy (72h) và dự kiến có thể phát điện toàn bộ 50 MW vào 15/10.
Tại thời điểm 30/6/2021, Hà Đô đã đầu tư hơn 1.070 tỷ đồng vào dự án, trong khi mới chỉ chi gần 37,6 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2020. Tương tự Hà Đô, nhiều doanh nghiệp điện dồn nguồn lực đầu tư vào các dự án điện gió nhằm vận hành thương mại trước tháng 11/2021 để hưởng mức giá ưu đãi 9,8 UScent/kWh theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg.
Dự án 7A Thuận Nam là một trong 6 dự án đầu tiên thuộc nhóm 106 nhà máy điện gió đăng ký thử nghiệm đã đạt được công nhận COD, bên cạnh Hòa Bình 1 - giai đoạn 2 (42,2 MW), Số 5 Ninh Thuận (46,2 MW), Đông Hải 1 - giai đoạn 2 (50MW), Ea Nam (12,6 MW) và BIM (88MW). Đây là còn dự án duy nhất do một doanh nghiệp niêm yết làm chủ đầu tư đã đạt được công nhận vận hành thương mại.
Theo số liệu cập nhật mới nhất của Bộ Công Thương, đến tháng 8/2021, có 106 dự án điện gió đăng ký vận hành thương mại, để kịp hưởng giá FIT (giá cố định), với tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD là 5655,5 MW. Đến cuối tháng 8/2021, có 54 dự án thuộc thẩm quyền xem xét của Bộ Công Thương và 34/54 dự án đã nhận hồ sơ để tiến hành công tác nghiệm thu.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều ngày 30/9, trả lời về vấn đề đề xuất gia hạn cơ chế giá FIT cho những dự án điện gió chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết nhiều chủ đầu tư đã nỗ lực để kịp tiến độ vận hành thương mại trước ngày 31/10. Tuy nhiên, vừa qua, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng nhận được khá nhiều đề xuất của UBND các tỉnh, chủ đầu tư với nhiều lý do không kịp tiến độ để hưởng giá FIT. Lý do chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chậm tiến độ các dự án.
Đối với những dự án không kịp đưa vào vận hành trong thời hạn trước 31/10, Bộ sẽ có cơ chế để xử lý các dự án này trên nguyên tắc chi phí, vốn đầu tư vận hành của nhà máy để chủ đầu tư có thể thương thảo với nhà mua điện theo hướng ưu đãi. Trong tương lai, các dự án điện gió sẽ chuyển từ cơ chế giá cố định sang lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu.
Nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn cũng đang tham gia cuộc đua đầu tư điện gió. Có những doanh nghiệp đang triển khai tới 3 dự án điện gió. Số vốn đầu tư giải ngân vào các dự án tại mỗi công ty đều lên tới con số nghìn tỷ đồng. Như trường hợp của REECorp, doanh nghiệp hiện triển khai ba dự án điện gió gồm Lợi Hải 2, Phú Lạc 2 và Trà Vinh. Giá trị đầu tư xây dựng cơ bản dở dang riêng ba nhà máy điện gió đã tăng thêm 1.062 tỷ đồng chỉ trong nửa đầu năm.
Một số doanh nghiệp niêm yết trên sàn đang triển khai dự án điện gió với quy mô vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng Nguồn: Chứng khoán Vietcombank |