Tôn vinh 60 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022, trong đó Top 10 góp mặt toàn bộ tên tuổi lớn
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã trọng thể tổ chức lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022.
Top 10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 |
Năm nay, qua 211 đề cử, có 60 doanh nhân được trao tặng danh hiệu doanh nhân xuất sắc nhất, trong đó có 10 người được vinh danh Top 10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.
Đó là, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn GELEXIMCO; Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải; Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 11, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Thành An, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 789;
Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Công ty cổ phần thực phẩm Sữa TH; Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG - BRG GROUP;
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái Holdings; Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời;
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC; Ông Lý Ngọc Minh - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Minh Long 1.
Theo VCCI, các doanh nghiệp do top 10 lãnh đạo, quản lý đã đóng góp tổng doanh thu gần 746.000 tỷ đồng trong năm 2021, vốn chủ sở hữu trên 611.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 136.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 59.000 tỷ đồng và tạo việc làm cho hơn 132.000 người.
FPT thành cổ đông chiến lược một công ty tư vấn chuyển đổi số tại Nhật
Tập đoàn FPT vừa trở thành cổ đông chiến lược của LTS, Inc., công ty tư vấn và cung cấp dịch vụ chuyển đổi số trong Top 20 tại Nhật Bản.
Tập đoàn FPT vừa trở thành cổ đông chiến lược của LTS, Inc. |
Tỷ lệ sở hữu và quy mô khoản đầu tư không được FPT tiết lộ. Tuy nhiên, tập đoàn cho biết khoản đầu tư chiến lược này sẽ giúp FPT và LTS khai phá các cơ hội trong lĩnh vực tư vấn và dịch vụ công nghệ, với mục tiêu đạt được các hợp đồng trị giá hàng chục triệu USD tại thị trường Nhật Bản, cũng như các nước.
Trong đó, LTS có thể giúp FPT tăng năng lực tư vấn các dịch vụ chuyển đổi số đến các khách hàng quốc tế, tập trung vào thị trường Nhật Bản và châu Á - Thái Bình Dương. Ngược lại, FPT sẽ giúp LTS tăng năng lực công nghệ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong ngành sản xuất, bán lẻ, xây dựng và mở rộng tập khách hàng mới.
Hai bên dự kiến tập trung vào hệ thống phần mềm quản lý tài nguyên ERP, phát triển công nghệ low-code cũng như các dịch vụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, dựa trên các công nghệ AI, IoT, Big Data, RPA, Smart Factory...
"Hợp tác này sẽ giúp FPT và LTS có thể cạnh tranh với các công ty tư vấn chuyển đổi số hàng đầu thế giới, thúc đẩy phát triển công nghệ sáng tạo và cung ứng dịch vụ chuyển đổi số toàn diện", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT nhận xét.
Khoản đầu tư vào LTS cũng là bước đi tiếp theo trong chiến lược mở rộng các dịch vụ tư vấn và chuyển đổi số của FPT cho đối tác toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản và Mỹ.
Vinfast và Infineon mở rộng hợp tác trong lĩnh vực Di chuyển Điện hóa
Trong khuôn khổ Diễn đàn Công nghệ OktoberTech Châu Á Thái Bình Dương 2022 tại Singapore, VinFast - nhà sản xuất xe điện thông minh Việt Nam và Infineon Technologies AG - nhà cung cấp linh kiện bán dẫn ô tô đã công bố mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều thỏa thuận quan trọng.
Hai công ty sẽ thành lập Trung tâm Phát triển VinFast - Infineon (VICC) chuyên về ứng dụng công nghệ di chuyển điện hóa |
Hai công ty sẽ thành lập Trung tâm Phát triển VinFast - Infineon (VICC) chuyên về ứng dụng công nghệ di chuyển điện hóa, nhằm thúc đẩy việc phát triển các giải pháp di chuyển thông minh của VinFast.
Với hiểu biết chuyên sâu về hệ thống cùng danh mục sản phẩm và công nghệ phong phú, Infineon sẽ hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn VinFast trong việc lựa chọn linh kiện bán dẫn, bao gồm các công nghệ truyền thống và những công nghệ dựa trên vật liệu bán dẫn WBG (Wide Bandgap), bao gồm cả cacbua silic (SiC). VICC sẽ có một phòng thí nghiệm với các thiết bị kiểm thử và đo lường để đánh giá sản phẩm một cách nhanh chóng.
Dự kiến trung tâm sẽ đi vào hoạt động trong quý 1/2023, trong đó, bước đầu sẽ tập trung vào phát triển hệ thống dẫn động bằng điện (EDT) mới cho nền tảng điện hóa của VinFast.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Vingroup, Tổng Giám đốc VinFast Toàn cầu chia sẻ: “Mục tiêu của VinFast là mang đến các giải pháp di chuyển thông minh vì một tương lai bền vững. Chúng tôi rất vui mừng mở rộng hợp tác với Infineon - nhà cung cấp chất bán dẫn cho xe điện hàng đầu thị trường. Các sản phẩm và giải pháp tiên tiến của Infineon sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất của VinFast, hỗ trợ chúng tôi nhanh chóng đạt mục tiêu của mình.”
Ông Peter Schaefer, Phó Chủ tịch Điều hành và Giám đốc Marketing của bộ phận Ô tô tại Infineon cho biết. "Sự phát triển của di chuyển điện hóa là không thể bàn cãi. Infineon cam kết thúc đẩy tiến trình này cùng các đối tác như VinFast, những đơn vị có tốc độ thực hiện cao và quyết tâm mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ hỗ trợ hành trình điện hóa của VinFast và sự tiến bộ trong việc thiết kế các nền tảng xe điện của họ.”
Tập đoàn Thiên Long góp vốn thành lập công ty kinh doanh sách, báo, tạp chí
Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long đã quyết định góp vốn để thành lập công ty mới là CTCP Pega Holdings để kinh doanh sách, báo, tạp chí.
Tập đoàn Thiên Long sẽ góp 25 tỷ đồng để chiếm 25% vốn tại CTCP Pega Holdings |
Theo đó, Tập đoàn sẽ góp 25 tỷ đồng để chiếm 25% vốn tại CTCP Pega Holdings. Tổng giám đốc Trần Phương Nga sẽ là đại diện phần vốn góp của Thiên Long tại công ty mới.
Ở một diễn biến khác, chủ sở hữu bút bi Thiên Long cũng vừa góp thêm 500.000 USD cho dự án Flexoffice Pte. Ltd ở nước ngoài. Sau khi tăng vốn góp, tổng vốn đầu tư của dự án này lên hơn 1,3 triệu USD.
Nhìn lại 8 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Thiên Long ghi nhận doanh thu thuần hơn 2,5 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 396 tỷ đồng, tăng lần lượt 48% và 137% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục của chủ sở hữu bút bi Thiên Long.
Trong đó, doanh thu từ xuất khẩu tăng 58% so với cùng kỳ và đóng góp 24% doanh thu cho Tập đoàn. Về biên lãi gộp, nếu cùng kỳ 100 đồng doanh thu mang lại 41,4 đồng lãi gộp thì con số này tăng lên mức 44,1 đồng trong 8 tháng đầu năm 2022.
Viettel ra mắt hệ sinh thái điện toán đám mây lớn nhất do người Việt Nam làm chủ
Tập đoàn Viettel chính thức ra mắt hệ sinh thái điện toán đám mây (Viettel Cloud). |
Được nghiên cứu và triển khai từ năm 2018, đến nay, hệ sinh thái Viettel Cloud được đánh giá thuộc nhóm lớn nhất, hiện đại và an toàn nhất Việt Nam
Viettel Cloud cũng được đánh giá là hệ sinh thái điện toán đám mây đa dạng nhất Việt Nam, được vận hành bởi đội ngũ kỹ sư, chuyên gia hàng đầu với kinh nghiệm dày dặn.
Hệ sinh thái Viettel Cloud bao gồm trung tâm dữ liệu (data center), các nền tảng công nghệ, các phần mềm dịch vụ cho đến công nghệ bảo mật, dịch vụ quản trị vận hành.
Viettel Cloud sở hữu hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam, với 13 trung tâm dữ liệu, quy mô 9.000 rack trên 60.000 m2 mặt sàn. Tới năm 2025, Viettel Cloud sẽ được đầu tư 10.000 tỉ đồng để mở rộng quy mô lên 17.000 rack. Theo lộ trình, tới năm 2030, Viettel nâng mức đầu tư lên 40.000 tỉ đồng với quy mô 34.000 rack.
Ngoài công nghệ bảo mật đạt tiêu chuẩn quốc tế, Viettel Cloud còn sở hữu năng lực kết nối siêu băng rộng với đường trục cáp quang lớn nhất khu vực Đông Dương và 5 tuyến cáp quang biển quốc tế và phủ sóng khắp 63 tỉnh, thành phố.
Hệ sinh thái sản phẩm Viettel Cloud với tổng hơn 70 sản phẩm dịch vụ trải rộng từ các dịch vụ ở mức hạ tầng vật lý như thuê chỗ đặt, cho tới các nền tảng dịch vụ như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật.