Thời sự
Hàng loạt trường hợp sắp được xóa nợ thuế
Mạnh Bôn - 25/07/2013 06:25
Trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng số thuế nợ đọng đã lên tới 64.632 tỷ đồng, tăng 32% so với thời điểm 31/12/2012. >>> Ngoài quốc doanh chưa được xem xét xóa nợ thuế >>> Nửa năm, gần 25 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động

Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt; cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không còn tài sản sẽ được xóa tiền nợ thuế, tiền phạt theo Nghị định 83/2013/NĐ-CP, hướng dẫn Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung vừa được Chính phủ ban hành.

Ngành thuế đang khẩn trương triển khai Luật Quản lý thuế sửa đổi

Để được xóa nợ thuế, tiền phạt, ngoài các điều kiện nêu trên thì khoản nợ thuế, tiền phạt phải quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế; cơ quan quản lý thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thuế nhưng không thu đủ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Cũng theo Nghị định 83/2013/NĐ-CP, hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 gặp khó khăn, không thanh toán được tiền thuế nợ, đã ngừng kinh doanh; doanh nghiệp nhà nước đã giải thể còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/72007 cũng sẽ được xóa nợ thuế.

Doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 mà các khoản tiền thuế, tiền phạt này chưa được cơ quan nhà nước xử lý giảm vốn nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa cũng được xóa.

Ngoài ra, doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện giao, bán còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 mà khoản tiền này không được tính vào giá trị doanh nghiệp để giao, bán cũng được xóa.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tiền thuế nợ đọng thuế đã tăng từ mức 6,9%/tổng số thu nội địa trong năm 2011 lên 10% vào năm 2012.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng số thuế nợ đọng đã lên tới 64.632 tỷ đồng, tăng 32% so với thời điểm 31/12/2012 (tăng 15.497 tỷ đồng) và tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2012.

Nhiều địa phương đã để nợ thuế tăng rất cao như Đắc Nông tăng gần 153%, An Giang tăng 133%, Bình Dương tăng 117%, Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 83,5%...

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ thuế gia tăng, trong đó có nguyên nhân quan trọng là có rất nhiều khoản nợ thuế đã “lưu cữu” từ nhiều năm và trên thực tế, cơ quan quản lý thuế không có khả năng thu hồi do người nộp thuế đã tuyên bố phá sản, giải thể nhưng không còn khả năng thanh toán hoặc đã được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự không còn tài sản để thực hiện nghĩa vụ thuế nhưng chưa được xóa.

“Có rất nhiều khoản nợ thuế “lưu cữu” rất lâu, có giá trị rất nhỏ, trên thực tế cơ quan quản lý thuế cũng không thể thu hồi được, nếu không cho xóa nợ thì cơ quan thuế lại mất thêm chi phí thời gian, nhân lực và tài chính để quản lý. Thậm chí, nếu có thu hồi được thì chi phí bỏ ra để thu hồi nhiều khi còn lớn hơn cả số tiền thuế thu hồi được”, bà Cúc nói.

Nghị định 83/2013/NĐ-CP cho phép người nộp thuế được gia hạn nộp thuế tối đa từ 1 đến 2 năm nếu bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ; phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.

Trong trường hợp người nộp thuế chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán ngân sách nhà nước; không có khả năng nộp thuế đúng hạn do nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu có chu kỳ sản xuất, dự trữ dài hơn 275 ngày hoặc gặp các trường hợp gặp khó khăn đặc biệt khác cũng được xem xét gia hạn thời gian nộp thuế.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP, trong 6 tháng đầu năm, chỉ tính riêng thuế giá trị gia tăng, cơ quan thuế đã gia hạn cho hơn 105.000 trường hợp với số tiền gia hạn 4.428 tỷ đồng; gian hạn thuế thu nhập doanh nghiệp cho cho gần 45.050 trường hợp với số tiền 952 tỷ đồng.

“Việc gia hạn thời gian nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước khác cho người nộp thuế được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là kịp thời nên đã phát huy tác dụng tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất và thúc đẩy thị trường”, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Nguyễn Công Nghiệp cho biết.

Kể từ ngày 15/9/2013, người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, nhưng không có khả năng nộp đủ số thuế nợ trong một lần được nộp dần tiền thuế nợ tối đa không quá 12 tháng nếu có bảo lãnh của tổ chức tín dụng và cam kết tiến độ thực hiện nộp dần tiền thuế nợ, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước.

Trong thời gian nộp dần tiền thuế nợ, người nộp thuế vẫn phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,05% trên ngày. Trường hợp người nộp thuế vi phạm cam kết về tiến độ nộp dần tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tổ chức bảo lãnh có trách nhiệm nộp thay, bao gồm tiền thuế nợ, tiền chậm nộp theo mức 0,05% trên ngày được nộp dần và tiền chậm nộp 0,07% trên ngày tính trên số tiền chậm nộp kể từ thời điểm vi phạm cam kết về tiến độ nộp dần tiền thuế nợ.

Cùng với việc gia hạn thời gian nộp thuế, Nghị định 83/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp được nộp dần tiền nợ thuế, theo ông Trần Văn Phu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, chính sách này này sẽ tạo điều kiện cho cơ quan quản lý thuế kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua được khó khăn tạm thời, trước mắt, cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi sự phát triển và có nguồn để nộp tiền nợ thuế, tiền phạt vào ngân sách nhà nước.

Tin liên quan
Tin khác