Nguồn hàng nhập khẩu khổng lồ đổ bộ
Chưa kịp phục hồi kinh doanh sau những năm buôn bán ế ẩm do đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, từ thời trang, giày dép, hóa mỹ phẩm, đến hàng điện tử… đang phải đối mặt với sự đổ bộ của làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ, bán phổ biến trên các sàn thương mại điện tử.
Tại Hội nghị ngành công thương 28 tỉnh khu vực phía Bắc hồi giữa năm, Sở Công thương Lào Cai phát đi cảnh báo, Trung Quốc đã chi hơn nửa tỷ USD xây kho hàng sát biên giới Việt Nam. Các kho hàng, trung tâm thương mại điện tử tại khu vực biên giới này có chức năng thu gom trong nước và phân phối ở nước ngoài, cung cấp chức năng giao hàng trực tuyến, livestreams bán lẻ, cung cấp dịch vụ khai báo, kiểm tra, khai báo đặt hàng. Với kịch bản chuẩn bị đầy chuyên nghiệp, có lớp lang này, hoạt động sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh với nguồn hàng khổng lồ từ Trung Quốc.
Các chợ, siêu thị đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt của thương mại điện tử xuyên biên giới |
Sự dịch chuyển của các nhà kinh doanh thời số hóa có vẻ đã nhanh hơn nhiều so với dự báo.
Ngay lúc này, nhiều nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Temu, Shein… đã đổ bộ và ồ ạt bán hàng giá rẻ vào Việt Nam.
Mới nhất là sự xuất hiện của Temu, nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc này mở tính năng bán hàng tại Việt Nam, với ưu thế là giá rẻ và chính sách miễn phí vận chuyển.
Sự xuất hiện của Temu nối dài cuộc đổ bộ của các sàn thương mại điện tử bán lẻ xuyên biên giới đến Việt Nam thời gian qua. Trước đó, từ năm 2018, người Việt có thể mua hàng trực tiếp trên AliExpress của Alibaba.
Ngoài giá rẻ, các nền tảng như Temu, Shein mang đến một kho hàng khổng lồ, đa dạng sản phẩm từ quần áo, đồ gia dụng, đến công nghệ, làm đẹp. Từ đó, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn theo xu hướng quốc tế mà không cần chờ đợi qua các kênh truyền thống.
Chị Nguyễn Phương Anh, một chủ shop kinh doanh trên Meta cho hay: “Trước khi Shein hay Tamu vào Việt Nam, tôi đã bán rất nhiều hàng của hãng này thông qua việc đặt hàng từ các đầu mối gần nhà cung cấp nhất. Giá rẻ, mẫu mã đẹp, giao hàng nhanh, bắt trend tiêu dùng của khách hàng là những lợi thế được người tiêu dùng ưa chuộng để đặt hàng”.
Thị trường hấp dẫn
Việt Nam đang trở thành quốc gia tiềm năng với các nhà đầu tư, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình 25%/năm. Hơn 61 triệu người Việt mua sắm online, với giá trị mua bình quân mỗi người khoảng 336 USD.
Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
Còn thông tin mới được công bố trong Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý III/2024 của nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric, tổng doanh số giao dịch (GMV) của 9 tháng đầu năm đạt 227.700 tỷ đồng, tăng 37,66% so với cùng kỳ năm 2023.
“Doanh số giao dịch trên 5 sàn Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo đạt trung bình 25.300 tỷ đồng/tháng (gần 1 tỷ USD), với livestream và hàng giá rẻ được ưa chuộng”, báo cáo của Metric cho biết.
Dự báo tổng doanh thu của 5 sàn lớn nhất sẽ khoảng 80.600 tỷ đồng vào cuối năm nay. Nhóm mặt hàng tiềm năng tăng mạnh gồm làm đẹp, thời trang, nhà cửa đời sống.
Mặt trái của tình trạng này là các doanh nghiệp nội địa gặp bất lợi khi cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc trên chính sân nhà vì yếu hơn nhiều so với đối thủ.
Theo các doanh nghiệp, trong cuộc đua tiêu thụ, doanh nghiệp Việt thua gần như toàn bộ, từ năng suất lao động, quy trình công nghệ, chiến lược bán hàng…
Nhìn vào các chợ truyền thống và cửa hàng có thể thấy hệ thống phân phối nội địa chịu sức ép lớn như thế nào. Một tiểu thương bán vải, quần áo may sẵn ở chợ Hôm (Hà Nội) cho biết, có khi cả ngày không có khách đến hỏi mua hàng.
Sự đổ bộ của các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài “đè bẹp” sản xuất trong nước cũng là nội dung được quan tâm nhiều tại họp báo thường kỳ quý III tại Bộ Công thương.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ, ông “thấy giật mình” vì sản phẩm trên Temu bán với giá quá rẻ. Mức giá này liệu có ảnh hưởng đến thị trường trong nước không thì phải điều tra, nghiên cứu.
Lo ngại về sàn thương mại điện tử Temu với giá bán sản phẩm rất rẻ, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, một số quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Indonesia bày tỏ quan ngại và đã có những động thái nhằm kiểm soát nền tảng thương mại điện tử này. Với Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, lãnh đạo Bộ Công thương giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá các tác động.
Vấn đề này còn làm nóng nghị trường Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) cảnh báo, nếu tiếp tục để các nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới như Temu, Shein ồ ạt bán hàng giá rẻ vào Việt Nam thì có thể gây thiệt hại nặng nề, “giết chết” các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Ngân cũng cho rằng, sàn thương mại điện tử là xu thế của thời đại, song không đảm bảo công bằng trong kinh doanh, dẫn đến các trường hợp miễn/không thu được thuế.
Giá rẻ ở trên các sàn thương mại điện tử chưa hẳn do sự tiến bộ của khoa học công nghệ, mà có thể do phía nhà bán hàng không phải chịu các loại thuế, điều đó sẽ gây thiệt hại tới các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.