Dư địa phát triển còn rất lớn
Phát biểu tại Hội nghị TMĐT xuyên biên giới Amazon 2024 mới đây với chủ đề “Tinh hoa hàng Việt, cất cánh toàn cầu”, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương) cho biết, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 cả nước ước đạt hơn 354,5 tỷ USD nhưng trong đó kim ngạch xuất khẩu qua sàn TMĐT chỉ chiếm khoảng 5 - 6 tỷ USD.
Theo ông Thành, đây là còn số khiêm tốn và là dư địa rất lớn cho doanh nghiệp Việt có cơ hội gia nhập, bứt phá trong thời gian tới.
Thực tế, cũng đã có hàng nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ phía Việt Nam gia nhập cuộc chơi xuất khẩu online từ nhiều năm nay và mang về kết quả tích cực thông qua các sàn TMĐT xuyên biên giới như Amazon, Alibaba…
Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam trình bày tại Hội nghị TMĐT xuyên biên giới Amazon 2024. Ảnh: Gia Hân |
Còn theo thống kê của Amazon Global Selling Việt Nam, giai đoạn 2019 - 2023, có 5 nhóm hàng gồm sức khỏe và chăm sóc cá nhân, nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp liên tục nằm trong top các ngành hàng từ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trên Amazon.
Báo cáo cuối năm 2023 của Amazon Global Selling Việt Nam cũng cho biết có hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được bán ra trên Amazon trong năm 2023, giá trị xuất khẩu tăng 50%, số lượng đối tác bán hàng tăng 40%...
Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, trong vòng 5 năm qua, số lượng sản phẩm được đối tác bán hàng Việt Nam trên cửa hàng của Amazon tăng hơn 300%. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số 1 triệu USD/năm trên Amazon tăng vọt gấp 10 lần; số lượng đối tác bán hàng Việt Nam đăng ký thương hiệu (Amazon Brand Registry) tăng hơn 35 lần.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI (CVI Pharma) nhấn mạnh, đây là “thời điểm vàng” để các doanh nghiệp đưa hàng hoá, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam ra quốc tế.
Riêng CVI Pharma đã tham gia vào quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm trên nền tảng Amazon từ tháng 7/2023 và trải qua 6 tháng nghiên cứu thị trường cũng như thị hiếu khách hàng. Đến đầu năm 2024, doanh nghiệp này đã đạt nhiều kết quả khả quan sau 4 tháng mở bán. Cụ thể, doanh số trung bình 20.000 USD/tháng với hàng chục ngàn đơn hàng tiêu thụ.
“Mục tiêu của chúng tôi khi gia nhập Amazon là không chỉ trở thành đối tác của các seller, đa dạng đầu ra mà còn mong muốn mang đến câu chuyện thương hiệu cho bạn bè quốc tế về những dược liệu, kinh nghiệm dân gian, văn hoá sản phẩm đặc trưng Việt Nam”, ông Hiệu nói.
Đối mặt nhiều thách thức
Theo ông Hiệu, muốn xuất khẩu thành công trên các sàn TMĐT doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn về nguyên liệu, công nghệ, bao bì, đóng gói và đánh giá người dùng.
“Hiện CVI đã đầu tư công nghệ sản xuất đạt chuẩn của hầu hết các nước khó tính như Mỹ, EU. Tuy nhiên khi xuất khẩu rộng khắp thế giới buộc doanh nghiệp phải thiết kế lại, R&D lại sao cho phù hợp với tiêu chuẩn khắt khe của từng thị trường. Hệ quản lý chất lượng, hậu kiểm phải siết chặt hơn", Chủ tịch CVI chia sẻ.
Ngoài ra khi nói về sức cạnh tranh trong xuất khẩu online, ông Hiệu dẫn chứng, trên Amazon có nhiều các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ đến từ Ấn Độ, Thái Lan và hoạt động rất hiệu quả. Bởi họ có kinh nghiệm lâu năm bán hàng trên Amazon nên thủ tục đưa sản phẩm lên sàn rất chuẩn và nhanh chóng, sản lượng đơn hàng cung ứng tốt, giá thành tốt cộng với mẫu mã đa dạng bắt mắt.
“Vậy thì rõ ràng doanh nghiệp Việt không thể tập trung cạnh tanh về giá hay quy mô sản xuất mà phải tập trung vào câu chuyện thương hiệu, thế mạnh về sản vật đặc trưng như cây cỏ, thảo dược, văn hoá. Vì khách hàng quốc tế hiện quan tâm nhiều về yếu tố cộng đồng văn hoá bản địa tạo ra chính sản phẩm đó đặc biệt ra sao và việc bán sản phẩm này tác động ra sao tới đời sống của họ”, ông Hiệu nhìn nhận.
Đông đảo doanh nghiệp, thương hiệu tìm kiếm cơ hội bán hàng trên nền tảng Amazon. Ảnh: Gia Hân |
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Huỳnh Thu Trúc, CEO Công ty Organic Vietfood cho biết, doanh nghiệp chính thức lên sàn Amazon từ tháng 11/2022 với các sản phẩm chế biến sâu từ hạt điều (đặc sản Bình Phước) nhưng doanh thu của Organic Vietfood trên nền tảng này vẫn chưa có sự bứt phá. Theo bà Trúc, cần phải có thêm thời gian dài để khách hàng sử dụng và đánh giá. Đây cũng là thử thách cho các doanh nghiệp muốn xuất khẩu xuyên biên giới thông qua sàn TMĐT.
“Sau quá trình thử nghiệm và test đánh giá sản phẩm từ khách hàng, tôi nhận thấy việc bán hàng thông qua sàn TMĐT xuyên biên giới nhất là Amazon không chỉ đơn thuần như kinh doanh truyền thống. Chúng ta phải bán câu chuyện đằng sau sản phẩm, đây mới là điều thú vị thu hút và cạnh tranh được với hằng hà sa số các sản phẩm tương tự đến từ nhiều doanh nghiệp trên thế giới”, bà Trúc cho hay.
Là một trong những ngành có doanh số cũng như sản lượng bán hàng cao trên nền tảng TMĐT, ông Phùng Quốc Mẫn, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho biết, mức độ tham gia xuất khẩu qua TMĐT của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế khi phần lớn doanh nghiệp chủ yếu gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài. Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu; sức chống chịu kém trước các biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường.
Đại diện Hawa khuyến nghị, để thúc đẩy sản phẩm gỗ nội thất Việt vươn tầm thế giới thông qua TMĐT, các doanh nghiệp phải không ngừng nỗ lực trong việc nghiên cứu sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt cần đầu tư nâng cao năng lực vận hành khi tham gia TMĐT xuyên biên giới bằng cách tự sáng tạo, thiết kế sản phẩm, hạn chế gia công nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định của thị trường tiêu dùng quốc tế.