Chỉ số Shanghai Composite hôm qua 21/1 vượt mốc 3.600 điểm, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Ảnh: AFP |
Sức hút đến từ các thương vụ IPO
Tính riêng tháng 12/2020, thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 1,62 triệu nhà đầu tư mới, gấp đôi con số 809.300 của một năm trước, theo Trung tâm Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Trung Quốc - tổ chức chuyên xử lý các giao dịch cho các sàn giao dịch chứng khoán tại Thượng Hải và Thâm Quyến.
Sự quan tâm của giới đầu tư đến thị trường Trung Quốc tăng vọt khi nhiều nhà đầu tư cá nhân trên thế giới chuyển sang giao dịch chứng khoán vì bị "mắc kẹt" trong nhà thời Covid-19.
Làn sóng đầu tư mới vào thị trường chứng khoán Trung Quốc dâng cao khi cổ phiếu đại lục tăng vọt vào năm 2020, thậm chí một số chỉ số lọt nhóm sinh lời tốt nhất trên thế giới. Đơn cử, chỉ số Shenzhen Component tăng tới 38,7% trong năm 2020 còn chỉ số CSI 300 đạt mức tăng 27,2%, trong khi đó, chỉ số S&P 500 tại Mỹ tăng 16,26%. Chỉ số CSI 300 quy tụ 300 mã cổ phiếu hàng đầu trên các sàn giao dịch chứng khoán tại Thượng Hải và Thâm Quyến.
Một lý do khác khiến nhà đầu tư đổ bộ vào thị trường Trung Quốc là số lượng doanh nghiệp họ có thể đầu tư tăng lên đáng kể bởi các thương vụ doanh nghiệp niêm yết tràn ngập thị trường này.
Theo hãng kiểm toán Ernst & Young, thị trường Trung Quốc đại lục và Hong Kong chiếm 40% số lượng thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên thế giới trong năm 2020. Sàn chứng khoán Thượng Hải đứng đầu danh sách này với 233 vụ IPO, trong khi sàn chứng khoán Thâm Quyến đứng thứ 3, sau sàn chứng khoán Nasdaq ở New York.
"Khoái khẩu" với thị trường Hong Kong
Các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục hứng thú gom cổ phiếu từ thị trường Hong Kong, bởi các công ty lớn nhất và nổi tiếng nhất Trung Quốc đều niêm yết tại thị trường này, chẳng hạn như hai hãng công nghệ Tencent và Meituan. Trong khi đó, những công ty lớn của Trung Quốc như JD.com cũng đã thực hiện niêm yết lần hai thị trương Hong Kong trong năm 2020.
Chính phủ Trung Quốc muốn kéo những doanh nghiệp lớn của nước này về gần đại lục, trong khi áp lực chính trị buộc doanh nghiệp Trung Quốc rút khỏi thị trường Mỹ cũng tăng lên vào năm 2020.
Trên thực tế, các chương trình kết nối chứng khoán được triển khai tại Trung Quốc trong 5 năm qua đã giúp nhà đầu tư ở Trung Quốc đại lục vươn rộng sang thị trường Hong Kong và thực hiện giao dịch một số cổ phiếu nhất định.
Mức độ quan tâm của nhà đầu tư đến các cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong được phản ánh rõ qua số liệu của nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu tài chính Wind Information (Thượng Hải, Trung Quốc). Cụ thể, lượng mua ròng thông qua chương trình "kết nối chứng khoán" Thượng Hải trong năm 2020 đã tăng hơn gấp đôi so với năm trước đó lên 334 tỷ đô la Hong Kong (tương đương 43,09 tỷ USD), còn khối lượng mua vào thông qua một chương trình kết nối chứng khoán tương tự ở Thâm Quyến đã tăng gấp ba lần lên 338,11 tỷ đô la Hong Kong.
Trái lại, lượng mua ròng từ Hong Kong đối với cổ phiếu niêm yết tại các sàn chứng khoán ở Thượng Hải và Thâm Quyến lại giảm nhẹ trong năm 2020, theo Wind Information.
Sang năm 2021, mức độ quan tâm của giới đầu tư Trung Quốc đối với cổ phiếu trong nước vẫn ở mức cao. Theo số liệu của Wind Information, trong 11 ngày giao dịch đầu tiên của năm 2021 khối lượng giao dịch cổ phiếu hạng A niêm yết ở thị trường Trung Quốc đại lục đã vượt 1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 154,32 triệu USD). Cổ phiếu A được các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên các sàn chứng khoán ở Thâm Quyến hoặc Thượng Hải và được giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc được dự báo tiếp tục tăng điểm mạnh mẽ trong năm 2021. Chỉ số Shanghai Composite hôm qua 21/1 cán mốc 3.600 điểm, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, còn Shenzhen Component đến nay đã tăng 7% so với năm 2020.