Tiêu dùng
Hàng Việt tìm đường sang đất Thái
Thế Hải - 21/08/2017 10:11
Hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam thuộc các ngành hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ đã xuất hiện tại Tuần hàng Việt Nam tại Bangkok từ 17 - 21/8/2017 để tìm đường vào thị trường Thái Lan.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Việt Nam thăm gian hàng cà phê tại Tuần hàng Việt Nam tại Bangkok

Hàng Việt sẽ phủ sóng mạnh hơn tại Thái Lan

Có mặt tại buổi giao thương doanh nghiệp Việt Nam với các nhà thu mua Thái Lan, đến từ hệ thống siêu thị thuộc Tập đoàn Central Group, các doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng sẽ đưa được nhiều mặt hàng xuất khẩu đến với người dân xứ sở Chùa vàng trong thời gian tới.

Là năm đầu tiên tham dự Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, Công ty Dolsure Nutrition, chuyên sản xuất sữa, cà phê và các sản phẩm dinh dưỡng, có nhà máy đặt tại Củ Chi (TP.HCM) rất tự tin có thể “chinh phục” được nhà thu mua trong tương lai gần.

Trao đổi tại gian hàng Dolsure Nutrition, bà Nguyễn Nữ Song Hà, Giám đốc Marketing Công ty Dolsure Nutrition cho biết: “Chúng tôi vừa có buổi gặp trực tiếp với bên thu mua đến từ Central Food Retail Group để bàn về việc đưa hàng qua hệ thống bán lẻ tại đây. Dolsure Nutrition tự tin về chất lượng hàng của mình, vấn đề là, chúng tôi muốn hiểu được thị hiếu tiêu dùng của người  dân, muốn tìm được đối tác thiện chí, phối hợp cùng doanh nghiệp để tư vấn tổ chức sản xuất, làm bao bì mẫu mã sản phẩm, thương thảo về giá tốt cho cả 2 phía để có thể đi đường dài”.

Vốn chuyên mảng sữa bột, với doanh thu trung bình tại thị trường Việt Nam khoảng 40 tỷ đồng/tháng, nhà máy đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, Công ty Dolsure Nutrition đang tính đưa sản phẩm vươn tới nhiều thị trường mới, trong đó có Thái Lan.

Điều khiến nhà sản xuất này thêm tự tin khi tham gia đưa hàng vào Thái Lan là do họ vừa ký hợp đồng xuất khẩu trà Matcha sang Singapore, với sản lượng 10 tấn, giao hàng vào ngày 15 hàng tháng trong thời hạn 1 năm.

“Sau trà Matcha, chúng tôi đang xúc tiến với các thị trường mới để tiếp thị sữa, sản phẩm dinh dưỡng và Thái Lan đã được Công ty đưa vào tầm ngắm”, bà Hà cho biết thêm.

Sự kiện quy tụ hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam tham gia

Sự hứng khởi với thị trường Thái cũng được thấy rõ với phần lớn doanh nghiệp, dù họ ý thức rõ về việc đặt chân được vào hệ thống phân phối Thái Lan không chỉ là ngày một ngày hai. Hanhsilk, thương hiệu đồ tơ tằm đến từ Thái Bình dự Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan năm thứ 2 liên tiếp. Trong buổi giao thương cuối tuần qua, lãnh đạo doanh nghiệp đã gặp gỡ 3 nhà thu mua đến từ Tập đoàn Central Group. Theo bà Lương Thanh Hạnh, hành trình mang hàng sang Thái của Hanhsilk không chỉ gói gọn tại buổi giao thương, lãnh đạo Công ty sẽ có thêm những buổi tiếp xúc, tìm hiểu thị trường Thái Lan rộng lớn với nhu cầu đa dạng, đó mới là đích đến của Hanhsilk.

Khai thông điểm nghẽn

Năm thứ 2 tiếp cận thị trường Thái, nhưng bà Lương Thanh Hạnh, Giám đốc Hanhsilk, nhà sản xuất và kinh doanh sản phẩm lụa đũi của làng dệt Nam Cao (Thái Bình)  cho hay, Công ty và đối tác thu mua vẫn chưa đi đến được thỏa thuận mua bán cuối cùng, bởi ngoài những cái gật đầu về chất lượng và khả năng cung ứng, “điểm nghẽn” là khâu thanh toán vẫn khiến cả 2 phía lăn tăn.

“Để hàng Việt đặt chân vào được thị trường mà không thiếu nhà cung cấp như Thái Lan, hàng Việt phải thật sự khác biệt và đặc sắc, song doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ cụ thể hơn từ Central Group và các ngân hàng để khai thông những điểm nghẽn này, nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu giữa doanh nghiệp 2 nước diễn ra mạnh mẽ hơn”, bà Lương Thanh Hạnh, Giám đốc Hanhsilk, nhà sản xuất và kinh doanh sản phẩm lụa đũi của làng dệt Nam Cao (Thái Bình) đề nghị.

Ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch cao cấp Central Group Việt Nam cho hay, năm 2016, Central Group Việt Nam đã xuất khẩu lượng hàng hóa Việt Nam sang Thái Lan với giá trị 55 triệu USD.  Nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất có triển vọng vào hệ thống bán lẻ Thái Lan. Điều này buộc các doanh nghiệp trong nước tính chuyện đầu tư bài bản để tính chuyện làm ăn lâu dài với các nhà bán lẻ nước này.

Gian hàng của Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi, với sản phẩm chủ đạo là bánh phồng tôm, mỳ, phở khô

Với những doanh nghiệp Việt chưa có kinh nghiệm xuất khẩu, sự kiện do Central Group tổ chức là cầu nối để doanh nghiệp bước đầu tiếp cận, nắm bắt quy trình và điều kiện cần đáp ứng để hoàn thiện sản phẩm, phục vụ cho hoạt động xuất khẩu thành công, lâu dài.

Hoạt động xúc tiến thương mại đưa hàng Việt từ khâu sản xuất trực tiếp tới tay người tiêu dùng tại các nước trên thế giới, dưới dạng xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối các nước, trong đó có Thái Lan được Việt Nam triển khai mạnh trong những năm gần đây.

Sản phẩm nước mắm Cát Hải

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương), trong tương lai, đây sẽ là một trong những kênh hợp tác thương mại phát triển nhanh và hiệu quả, mang lại giá trị gia tăng cao cho cả người tiêu dùng, nhà phân phối và nhà sản xuất. Nhà sản xuất có thể tiết kiệm được chi phí xuất khẩu, tiếp cận được thị trường và có đầu ra bền vững, còn nhà phân phối tại Thái Lan tìm được nguồn hàng ổn định, phong phú, tin cậy do quản lý được chất lượng, tiết kiệm chi phí trung gian. Tất nhiên, đó chính là điều giúp người tiêu dùng mua hàng với giá phải chăng, chất lượng đảm bảo.

“Tất cả những gì mang lại lợi ích cho các bên đều có cơ hội lớn để đi đến thành công”, ông Hải cho biết.

Tin liên quan
Tin khác