Tiêu dùng
Hàng Việt "ngược dòng" sang Thái
Viễn Thông - 06/08/2017 08:12
Những nỗ lực đầu tiên mang tính "đồng đội" của các doanh nghiệp đang diễn ra với mục tiêu đưa hàng Việt Nam tiến sang Thái Lan.
Các sản phẩm gạo hữu cơ Việt Nam được trưng bày để tìm cơ hội xuất khẩu sang Thái Lan.

Đầu tháng 8, "Ngôi nhà quốc gia Việt Nam" mở cửa đón khách tại Hội chợ quốc tế thương mại ASEAN - Ấn Độ Bangkok (Thái Lan). Chiếc gióng gánh của một kiến trúc sư Việt cùng với những cái thúng đựng đầy gạo Jasmine hạt dài của Viễn Phú, gạo hữu cơ của Trung An, Coop Organic… chiếm vị trí trang trọng tại gian hàng.

Các sản phẩm dừa Lương Quới và trái cây sấy của Vinamit nhận được phản hồi tích cực về chất lượng. Theo bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA), gốm sứ của Minh Long I và nước mắm Phú Quốc đặc biệt được chú ý.

“Nhiều thương nhân Thái săm soi bộ sưu tập gia vị rất mới của gốm sứ Minh Long I. Nhưng giàu cảm xúc nhất, trong vị trí người làm xúc tiến là việc trưng bày nước mắm Phú Quốc thứ thiệt, sản phẩm thực sự có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và cả EU”, bà Hạnh cho biết.

Trước nay, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam liên tục chứng kiến từng đoàn doanh nghiệp Thái rầm rộ kéo sang tổ chức các hội chợ, hội thảo, xúc tiến thị trường… Ngược lại, theo BSA, doanh nghiệp Việt qua Thái không nhiều, hoặc có đi thì cũng với số lượng ít, lẻ tẻ, không gom về theo một mối.

"Ngôi nhà quốc gia Việt Nam" lần này là thành quả của lần đầu tiên BSA tổ chức đoàn tập hợp gần 20 doanh nghiệp sang tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, với sự ủy nhiệm của Bộ Công Thương.

“Tôi tâm đắc nhất là tấm bản đồ chỉ dẫn địa lý toàn Việt Nam. Lần đầu tiên thấy bản đồ đầy đủ thế này. Nhìn nhiều sản phẩm được sưu tầm ở đây, tôi biết là công phu”, bà Trần Thị Thanh Mỹ - Tham tán thương mại Việt Nam tại Thái Lan nhận xét khi chứng kiến các sản phẩm Việt Nam, từ thực phẩm như sữa, cacao, sen sấy, khổ qua rừng, bưởi da xanh… đến các mặt hàng gốm sứ, da giày, đồ nhựa, đồ điện, văn phòng phẩm…

Tại buổi kết nối cung cầu, 19 doanh nghiệp Việt Nam cùng hơn 20 doanh nghiệp đến Thái Lan đã có buổi gặp gỡ sôi nổi hơn dự kiến. Minh Long, Vietnam Cacao, Mặt nạ dừa Cửu Long, Hương Đồng Tháp, mỗi doanh nghiệp nhận được 8 lời đề nghị tiếp xúc.

Đặc biệt, doanh nghiệp Bích Chi kín lịch hẹn với 17 lời đề nghị. Trong khi đó chỉ sau 3 lượt gặp, Vinamit đã bán đi hết các hàng mẫu. Công ty cho biết đối tác “đòi mua” rất quyết liệt từ ở gian hàng cho đến khi gặp trong buổi kết nối.

Buổi kết nối tìm kiếm bạn hàng ở Thái Lan được một số doanh nghiệp cảm thấy vượt kỳ vọng

“Cho đến nay, chúng tôi đã gặp được 8 đối tác. Trong đó có BJC và Central là hai chuỗi bán lẻ mà chúng tôi quan tâm nhất tại thị trường này. Riêng đối với BJC – chủ hệ thống BigC Thái Lan, hệ thống Mega tại Việt Nam họ đã có hàng Vinamit, và họ mong muốn tập trung hoá đơn hàng lớn từ cả Việt Nam lẫn Thái Lan. Điều này giúp tạo hiệu quả hơn về mặt giá – hậu cần. Chắc chắn vẫn cần gặp thêm nhiều lần nữa để có trao đổi chặt chẽ hơn”, bà Phan Thị Hồng Trâm – Quản lý bán hàng quốc tế của Vinamit chia sẻ. Đại diện Bích Chi cũng cho biết hoàn toàn bất ngờ khi tìm ra được thị trường mới là Ấn Độ.

“Sản phẩm của chúng tôi đã có mặt tại Thái. Đến với chương trình lần này, tâm thế của chúng tôi là muốn tìm thêm nhiều khách hàng mới tại đây, nhưng không ngờ lại tìm ra được thị trường mới là Ấn Độ. Hiện đã có 2 doanh nghiệp Ấn Độ gặp gỡ và đặt hàng. Có một doanh nghiệp đã đặt vấn đề đặt 4 container sản phẩm bánh tráng, bánh phồng tôm”, bà Bùi Thị Ngọc Tuyền – Phó phòng Xuất nhập khẩu chia sẻ và cho biết thêm, doanh nghiệp Ấn Độ này trước đây đã mua của thị trường Trung Quốc nhưng giờ muốn chuyển sang mua của Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm, Việt Nam chi 4,7 tỷ USD để nhập hàng hóa từ Thái Lan. Trong đó, hơn 360 triệu USD được chi ra chỉ để nhập rau củ quả. Đây cũng là nhóm hàng có tổng giá trị nhập khẩu cao thứ ba, sau điện gia dụng và máy móc, phụ tùng.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan hơn 2,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản còn tương đối khiêm tốn. Đơn cử như rau củ quả, Việt Nam chỉ xuất được khoảng 22 triệu USD.

Tin liên quan
Tin khác