Nhập khẩu hàng Việt
Kebo – một công ty chuyên về nội thất của Hà Lan, có trụ sở chính tại Rotterdam đã nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 5 năm trở lại đây, nên khá am hiểu thị trường khi đánh giá về năng lực và sản phẩm của các doanh nghiệp Việt.
Giám đốc kinh doanh Kebo, ông Marcel Struijk cho biết năm 2016 công ty đã mua hơn một triệu euro hàng hóa tại Việt Nam, chiếm khoảng dưới 5% tổng giá trị mua hàng từ các thị trường nước ngoài của công ty.
Sau 5 năm tại Việt Nam, Kebo chủ trương sàng lọc đối tác, giảm bớt số lượng nhà cung cấp nhưng lại tăng giá trị đơn hàng và muốn phát triển đồng hành cùng các nhà máy.
Toàn cảnh công ty Kebo. |
Tại các thị trường châu Á, hiện nay Kebo chủ yếu là tìm nguồn và mua hàng. “Hiện nay chúng tôi mua tại Việt Nam các sản phẩm đồ gỗ, chậu cây bằng gỗ và các sản phẩm từ đá tự nhiên. Kebo cũng đang nhập khẩu điện máy của Lioa và sản phẩm trang trí cao cấp của một số công ty khác”, ông Marcel nói.
Về phát triển bán hàng tại thị trường Việt Nam, Kebo cũng đang có 2 dự án lớn. Cùng với công ty Đặng Lan là đại diện độc quyền tại Việt Nam, Kebo bắt đầu đưa vào thị trường dòng hàng trang trí cao cấp (high decoration) với thương hiệu Petti rossi.
Và trong tương lai gần sẽ là sản phẩm thiết bị vệ sinh đặc biệt dành cho người già và người khuyết tật, vốn rất phát triển ở châu Âu nhưng còn mới mẻ và đang phát triển ở thị trường châu Á. Nhu cầu cho các thiết bị này đang phát sinh vì ở Trung Quốc và Việt Nam tuổi thọ trung bình đang tăng.
Thành lập vào năm 1976 đi từ lĩnh vực ban đầu là vật liệu xây dựng, gạch trang trí mosaic, đá tự nhiên, Kebo qua 40 năm phát triển đã mở rộng sang các lĩnh vực sản phẩm trang trí nội thất, ngoài vườn, là một trong những công ty đầu tiên phát triển dòng sản phẩm DIY (do it yourself - bán các nguyên liệu chế biến thô để người mua tự mang về làm, thiết kế lấy ở nhà), thiết bị vệ sinh, lò sưởi trang trí và lò nướng BBQ.
Hiện Kebo đang hoạt động chủ yếu tại các thị trường chính quốc, nước láng giềng Bỉ và mở rộng xuất khẩu sang Đức, Anh, Pháp, Ý và xuất nhập khẩu một số dòng sản phẩm sang các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam.
Tuy quy mô chỉ có 55 nhân viên nhưng công ty Kebo có doanh thu tới 24 triệu euro/ năm, tăng trưởng 10% mỗi năm và trong năm 2008 đã từng cán mốc 32 triệu euro.
Trụ sở của Kebo Hà Lan. |
Chia sẻ kinh nghiệm đưa hàng vào châu Âu
Là một doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng có mức doanh thu 24 triệu euro/năm, Giám đốc kinh doanh của Kebo, ông Marcel Struijk chia sẻ kinh nghiệm về thị trường xuất khẩu tại Châu Âu cũng như chỉ ra những vấn đề trong doanh nghiệp Việt.
Ông Marcel Struijk – Giám đốc Kinh doanh Kebo |
“Các bạn hãy đến tận nơi và nghiên cứu thị trường muốn xuất khẩu. Thị trường châu Âu khó hơn thị trường Mỹ rất nhiều vì thị trường Mỹ gu của người tiêu thụ là gần như giống nhau, trong khi châu Âu là nhiều nước khác nhau, ngôn ngữ khác, luật khác, gu tiêu dùng khác. Do vậy, nên khi nói đến thị trường châu Âu, phải tự nghiên cứu và lựa chọn chính xác thị trường nào mà bạn muốn xuất khẩu”,ông Marcel chia sẻ.
“Với các doanh nghiệp nước ngoài, các bạn nên nói thật và đúng cái gì bạn có thể làm và cái gì bạn không thể làm.
Ở nhiều doanh nghiệp Việt, chưa có hoặc đang thiếu lớp người quản lý ở giữa có thể lãnh hội được các ý tưởng của các ông chủ, và hướng dẫn những người lao động làm việc sao cho hiệu quả.
Ưu điểm của người Việt là cẩn thận nhưng đôi khi quá cẩn thận nên có thể sẽ đánh mất cơ hội kinh doanh”, ông Marcel nhận xét thêm.
Tuy nhiên, ông Marcel luôn kì vọng và đánh giá tốt về chất lượng cũng như khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt, mà bằng chứng là hiện tại Hà Lan mua hàng rất nhiều tại Việt Nam. Giám đốc kinh doanh Kebo khẳng định “Trong tương lai chúng tôi sẽ phát triển hơn nữa với Việt Nam, một thị trường chiến lược, trong cả lĩnh vực mua và bán”