- Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm mạnh và Đà Nẵng khởi công nhà máy nước 1.170 tỷ đồng
- Đà Nẵng đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhiều dự án động lực
- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội TP Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030
Xác định sứ mệnh lịch sử
Tròn 45 năm sau giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Đà Nẵng đã đồng lòng dốc sức xây dựng Thành phố ngày càng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa: "Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng - xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng văn minh, hiện đại" (Ảnh minh họa) |
Dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (28/3/1930 – 28/3/2020), 45 năm Ngày Giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975 – 29/3/2020), Thành ủy Đà Nẵng đã phát đi không báo sẽ không tổ chức lễ kỷ niệm, bắn pháo hoa và các chương trình gặp mặt, triển lãm… để tập trung phòng dịch Covid-19.
Theo đó, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội TP.Đà Nẵng quan tâm chăm lo chu đáo, tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình cán bộ lão thành cách mạng tiền bối, gia đình liệt sĩ, chính sách tiêu biểu; Tổ chức viếng, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại đài tưởng niệm và các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn TP.Đà Nẵng; Các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, thành tựu qua 90 năm xây dựng, phát triển Đảng bộ TP.Đà Nẵng và 45 năm Ngày giải phóng TP.Đà Nẵng, qua đó ôn lại truyền thống, phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua những khó khăn, thách thức, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Trong bài viết của mình về “Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng - xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng văn minh, hiện đại", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nêu lên “quá trình hơn 20 năm qua, kể từ ngày Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bằng việc kế thừa, phát huy truyền thống, kinh nghiệm tích lũy từ các thời kỳ trước, bằng sự nỗ lực không ngừng, đoàn kết một lòng của các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân, cùng sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ, của các bộ, ban, ngành Trung ương, Đà Nẵng không ngừng phát triển về mọi mặt: Đô thị được quy hoạch, chỉnh trang quy mô lớn, không gian đô thị không ngừng được mở rộng, kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, liên tục dẫn đầu cả nước nhiều năm liền về các chỉ số phát triển kinh tế như GDP, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (ICT-Index), thu nhập bình quân đầu người ước đạt 4.300 USD, tăng lên hàng chục lần so với năm 1997 - thời điểm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương…
Bí thư nhấn mạnh, trong những năm đến, với việc Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng cần tập trung xây dựng thành phố trở thành một đô thị khởi nghiệp, sáng tạo, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; là thành phố giàu đẹp, an bình; hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống… (trích bài viết của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa).
Trở thành động lực tăng trưởng kinh tế Vùng
Quyết định số 393 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt viêc điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đó là sẽ xây dựng TP Đà Nẵng thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính.
Theo đó, mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Quy hoạch tổng thể Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 sẽ xây dựng TP Đà Nẵng thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính. Ảnh minh họa |
Hàng năm, nối tiếp bề dày lịch sử Đà Nẵng luôn là một thành phố được các chuyên gia kinh tế trong nước và trên thế giới đánh giá là một thành phố đáng sống, một thành phố hiện đại và phát triển rất văn minh. Thế rồi, theo năm tháng TP Đà Nẵng luôn được chọn là điểm đến của các sự kiện kinh tế, chính trị mang tầm quốc tế, quốc gia chọn lựa… Cùng với sự phát triển bền vững, Đà Nẵng hiện có cơ cấu kinh tế với động lực tăng trưởng là ngành dịch vụ, trong đó du lịch đang phát triển mạnh và có tác động tăng trưởng cao, phù hợp với xu hướng quốc tế. Hạ tầng của Đà Nẵng được đầu tư tương đối hoàn thiện và vận hành hiệu quả, nhất là hạ tầng xã hội và hạ tầng đô thị.
Những năm 1997, khi thành phố thu hút 43 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn 22 triệu USD, thì đến nay, lũy kế đến quý I/2020, Đà Nẵng có 839 dự án FDI với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 3.474 tỷ USD; bên cạnh đó, thành phố thu hút 331 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 104.707 tỷ đồng… để nói rằng một Đà Nẵng đổi mới trên mọi bình diện. Trong đó, chính sách “rải thảm đỏ” để thu hút đầu tư trong và ngoài nước đã giúp cho một Đà Nẵng hôm nay với nguồn vốn thu hút đầu tư nỗi bật nhất khu vực miền Trung.
Nối tiếp sang giai đoạn mới, Đà Nẵng phấn đấu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 đạt 12%/năm. Cơ cấu kinh tế: ngành dịch vụ 67-68%, công nghiệp và xây dựng 31-32%, nông nghiệp 1%. Dự báo dân số khoảng 2,5 triệu người, trong đó dự báo dân số chính thức (không bao gồm khách vãng lai) khoảng 1,5 triệu người; Tỉ lệ việc làm tăng thêm đạt 5-5,5%/năm, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70% vào năm 2030. Tỉ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý đạt 100%, tỉ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường đạt 80%, tỉ lệ cây xanh đô thị 6-8m2/người; tỉ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Độ che phủ rừng đạt khoảng 45%.
Quy hoạch Đà Nẵng năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng đề ra định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực như dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và các vấn đề xã hội. Trong đó, về dịch vụ, Đà Nẵng sẽ phát triển dịch vụ du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; bao gồm việc nghiên cứu quy hoạch đầu tư xây dựng vịnh Đà Nẵng với kiến trúc và dịch vụ đặc sắc tạo điểm nhấn cho thành phố Đà Nẵng; phát triển cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics.
Chuyên gia kinh tế đánh giá: Đà Nẵng hiện là hạt nhân phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, được lựa chọn là trung tâm phát triển một số lĩnh vực quan trọng như: y tế, giáo dục, công nghệ cao, công nghệ thông tin, logistics… Để tiếp tục phát triển, Đà Nẵng đang tập trung các giải pháp để sớm triển khai xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng ưu tiên theo quy hoạch, tích cực thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh.