Ngân hàng
Hành trình làm tín dụng chính sách xã hội bằng cả trái tim
Hà An - 07/10/2022 07:56
Trong 20 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội dần phát huy vai trò “cầu nối” giữa những người nghèo, đối tượng yếu thế với các cơ quan nhà nước và Chính phủ.
Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai 22 chương trình tín dụng tại 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc.

Chính thức ra đời và đi vào hoạt động ngày 4/10/2002, hành trình 20 năm làm “cánh tay nối dài” của Chính phủ mang nguồn vốn ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách xã hội đầy gian khó. Song nhiều hơn cả là những nụ cười, niềm vui đong đầy khi nhìn đồng vốn mỗi ngày “đơm hoa kết trái” cho đời, mang cuộc sống ấm no, hạnh phúc đến với muôn nhà.

Đầu năm 2002, số hộ nghèo chiếm gần 30% tổng hộ dân trên toàn quốc. Địa bàn phục vụ phần lớn tập trung ở những nơi đặc biệt khó khăn, hạ tầng chưa phát triển. Không chỉ ở những xã miền núi chưa có đường ô tô đến trụ sở UBND xã (tỷ lệ từ 30 đến 80%), mà văn hóa còn khác biệt của 54 dân tộc cùng những tập quán sản xuất tự cung, tự cấp ăn sâu bám rễ nhiều đời ở các địa phương. Tất cả khiến nhiệm vụ “đem tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ” không dễ dàng.

Tại nhiều địa phương, cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành một trong những lực lượng chủ chốt tiên phong, đặt chân đến những vùng đất khó khăn nhất, cùng với các chiến sĩ bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương hỗ trợ bà con làm kinh tế giảm nghèo. Câu chuyện “cõng” vốn lên bản, hay miệt mài theo những chiếc ghe mang vốn cho bà con vùng nước ngập dù đã không còn, song đó là một phần dấu ấn lịch sử gắn với dặm dài hành trình khai mở tín dụng chính sách.

Chưa cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội nào từ chối nhiệm vụ, hay chuyển công tác vì khó khăn. Thậm chí, năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên diện rộng trong cả nước, nhiều cán bộ tăng cường tại các tỉnh phía Nam gần như cả năm không về nhà.

Trong 20 năm qua, hơn 42 triệu lượt hộ đã được vay vốn với trên 814.000 tỷ đồng, góp phần cùng cả nước giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%.

Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển nhanh và mạnh của kinh tế đất nước, sau khi Việt Nam chính thức mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế năm 2007, để không ai bị bỏ lại phía sau và rút ngắn khoảng cách thu nhập và phát triển của người nghèo so với các đối tượng khác, Chính phủ đã 5 lần nâng chuẩn hộ nghèo, mở rộng các đối tượng thụ hưởng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế đất nước và hội nhập.

Trong bối cảnh gánh vác trách nhiệm ngày càng lớn ấy, Ngân hàng Chính sách xã hội không chỉ phát huy vai trò là “cánh tay nối dài” của Chính phủ, thực thi các chính sách tín dụng xã hội, mà hơn thế, còn dần phát huy vai trò “cầu nối” giữa những người nghèo, đối tượng yếu thế với các cơ quan nhà nước và Chính phủ, đề xuất và tham mưu ban hành nhiều chương trình tín dụng mới, nâng mức vay đáp ứng yêu cầu bức thiết của người dân. Hệ thống các chính sách tín dụng dần hoàn thiện mang tính chất hỗ trợ, giúp đỡ và có tính kế thừa, phát triển.

Từ 2 chương trình tín dụng ban đầu, Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang triển khai 22 chương trình tín dụng rộng khắp trên 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác vững bước phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, trong 20 năm qua, hơn 42 triệu lượt hộ đã được vay vốn với trên 814.000 tỷ đồng, góp phần chung tay cùng cả nước giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% (năm 2016) xuống còn  2,75% (năm 2020). Tất cả những nỗ lực ấy đã cộng dồn theo thời gian, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo mà thế giới ghi nhận.

Tuy nhiên, thách thức của chặng đường giảm nghèo còn không ít khó khăn, bởi phần lớn hộ nghèo thuộc lõi nghèo, đặc biệt là vùng trung du, miền núi phía Bắc - nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nước (13,4%). Mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị. Hai vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao là trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cũng là hai vùng có hệ số GINI (biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp của một đất nước) cao nhất, tương ứng là 0,428 và 0,418. Trong khi đó, Đông Nam bộ là vùng có hệ số GINI thấp nhất (0,322).

Để đẩy nhanh hành trình giảm nghèo bền vững, bên cạnh trọng tâm giảm nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung vốn cho công tác giải quyết việc làm và sinh kế, cho vay học sinh, sinh viên cùng các chương tín dụng nâng cáo chất lượng sống. Đây sẽ là những động lực góp phần thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia, mà hơn cả là góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển nhanh và bền vững, hướng tới nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Tin liên quan
Tin khác