Ngân hàng
Hiệu quả thiết thực của tín dụng chính sách xã hội
Hà An - 06/12/2021 20:29
Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai trên 20 chương trình tín dụng chính sách xã hội và một số dự án cho vay.
Trong tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội, trên 94% thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, tính đến ngày 31/10/2021, tổng dư nợ các chương trình đạt 243.191 tỷ đồng, với gần 6,4 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn tín dụng chính sách để tạo sinh kế, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống.

Đối với nhóm các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội (chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, đối tượng chính sách đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, hộ sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn, thương nhân vùng khó khăn, hộ dân tộc thiểu số, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm...), dư nợ đạt 176.942 tỷ đồng, chiếm 72,8% tổng dư nợ, với trên 4,4 triệu khách hàng còn dư nợ; tổng doanh số cho vay đạt 539.850 tỷ đồng, với trên 27,1 triệu lượt khách hàng vay vốn.

Liên quan nhóm các chương trình tín dụng dành cho tiêu dùng (nhà ở cho hộ nghèo, nhà ở xã hội, học sinh - sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn), dư nợ đạt 64.455 tỷ đồng, chiếm 27,2% tổng dư nợ, với trên 3,4 triệu khách hàng còn dư nợ; tổng doanh số cho vay đạt 182.634 tỷ đồng, với trên 13,2 triệu lượt khách hàng vay vốn.

Được biết, trong tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội, có trên 94% dư nợ cho vay phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. 96% dư nợ tập trung vào một số chương trình tín dụng chính sách trọng tâm của Chính phủ, như Chương trình cho vay hộ nghèo 27.841 tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội; Chương trình cho vay hộ cận nghèo 35.766 tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng dư nợ; Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo 42.959 tỷ đồng, chiếm 17,7% tổng dư nợ; Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn 27.864 tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng dư nợ; Chương trình cho vay giải quyết việc làm 38.152 tỷ đồng, chiếm 15,7% tổng dư nợ; Chương trình cho vay học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 9.699 tỷ đồng, chiếm 4% tổng dư nợ; Chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 43.998 tỷ đồng, chiếm 18,1% tổng dư nợ; Chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở 3.794 tỷ đồng, chiếm 1,6% tổng dư nợ.

Trong 19 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp hơn 6,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho gần 4,9 triệu lao động; gần 134.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài...

Số liệu thống kê cho thấy, trong 19 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp hơn 6,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 4,9 triệu lao động; gần 134.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; hơn 3,7 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 15,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 105.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ Đồng bằng sông Cửu Long, hơn 606.000 căn nhà cho hộ nghèo, trên 14.000 căn nhà phòng tránh bão, lụt khu vực miền Trung.

Bên cạnh việc làm tốt nhiệm vụ truyền tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến những hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thì Ngân hàng Chính sách xã hội luôn coi trọng và tập trung vào việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, làm tốt công tác thu nợ để tiếp tục tạo lập nguồn vốn cho vay mới, đồng thời bảo tồn và duy trì nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, phát huy được hiệu quả ngày càng cao hơn. Theo đó, đến ngày 31/10/2021, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh của Ngân hàng Chính sách xã hội là 1.740 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn 664 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng dư nợ; nợ khoanh 1.076 tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng dư nợ.

Với những kết quả trên, tín dụng chính sách xã hội tiếp tục góp phần tích cực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Ủy ban về Các vấn đề xã hội Quốc hội đã đánh giá: “Hoạt động tín dụng chính sách tiếp tục khẳng định hiệu quả thiết thực và là điểm nhấn trong công tác giảm nghèo, nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được tăng cường từ nhiều nguồn đa dạng”.

Tin liên quan
Tin khác