Sức khỏe doanh nghiệp
Hậu đổi chủ, “vua gạo” một thời Angimex lấy lại đà tăng trưởng
T.M - 15/08/2021 10:00
Sau khi về tay ông chủ của hệ sinh thái Louis, lợi nhuận của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, HOSE: AGM) bắt đầu tăng trưởng trở lại.
Angimex tăng trưởng trở lại sau khi về tay nhóm cổ đông mới

Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soán xét bán niên năm 2021 với các chỉ tiêu bớt ảm đạm so với báo cáo tài chính quý 1/2021, nhờ sự xuất hiện của cổ đông mới.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính soán xét bán niên, 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 1.036 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 78,9 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Do chi phí tài chính giảm 25,75%, chi phí bán hàng giảm mạnh 19,2%, lũy kế 6 tháng, công ty đạt 17,35 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Lợi nhuận sau thuế đạt 13,95 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Angimex cho biết, dù ảnh hưởng từ dịch bệnh, song đầu tháng 6/2021, sự thay đổi chủ sở hữu đối với nhóm cổ đông lớn đến từ CTCP Louis Agro và nhóm cổ đông cá nhân do ông Đỗ Thành Nhân làm đạdiên đã giúp cho các chỉ số tài chính tại AGM bứt phá. Hồi cuối tháng 5/2021, nhóm cổ đông này đã mua thỏa thuận toàn bộ 51,8% vốn Angimex từ cổ đông cũ là CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim.

Theo báo cáo giải trình của Agimex, nhóm cổ đông mới đã hỗ trợ rất lớn với hoạt động của công ty. Cụ thể, với mảng lương thực, nhờ sự kết hợp thế mạnh ngành gạo từ Louiss Agro, Angimex đã tăng cường bán hàng xuất khẩu, ký kết các hợp đồng  mới và tăng sản lượng tiêu thụ gạo nội địa.

Về mảng thương mại dịch vụ, nhờ đẩy mạnh các chương trình marketing, khuyến mãi, hoạt động mua bán xe gắn máy và phụ tùng được cải thiện.

Trong khi đó, mảng phân bón cũng tăng trưởng tốt nhờ khai thác khách hàng mới trên nền tảng đối tượng khách hàng mục tiêu từ nhóm cổ đông mới.

Agimex có ngành nghề chính là kinh doanh xuất khẩu gạo, từng được coi là “vua gạo” một thời ở An Giang, lợi nhuận sau thuế từng đạt 197 tỷ đồng năm 2008. Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động của công ty liên tục suy giảm, chỉ còn ghi nhận lãi ròng  24,7 tỷ đồng năm 2020.

Mặc dù vậy, Angimex vẫn là một trong những công ty xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước với hệ thống 9 phân xưởng nhà máy chế biến lương thực và kho chứa rộng khắp các vùng nguyên liệu trọng điểm. Trong khi đó, Louis Agro – tiền thân là Tập đoàn Louis Rice – cũng là một trong những doanh nghiệp lớn về xuất khẩu gạo.  Sự bắt kết hợp giữa hai bên được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh mảng xuất khẩu gạo.

Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2021 của Angimex, ông Đỗ Thành Nhân – tân Chủ tịch HĐQT công ty – cũng cho biết, việc mua lại Angimex từ Nguyễn Kim xuất phát từ mong muốn vực dậy doanh nghiệp được mệnh danh là "vua gạo" một thời. Năm 2021, AGM đặt mục tiêu doanh thu đạt gần 2,175 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 35 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 16% so với thực hiện năm 2020. Sau 6 tháng, AGM đã hoàn thành 48% chỉ tiêu doanh thu và 50% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của AGM tăng 37% so với đầu năm, lên gần 1,039 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng đến 84% lên gần 587 tỷ đồng, chủ yếu do phải trả người bán ngắn hạn.

Được biết, từ đầu năm đến nay, không chỉ mua phần lớn cổ phần Angimex, ông Đỗ Thành Nhân  cũng đã thâu tóm công ty Bảo Thư (mã chứng khoán: BII) và CTCP Xây dựng và đầu tư Trường Giang (mã chứng khoán: TGG), làm đa dạng hệ sinh thái Louis của doanh nhân này (Louis Agro, Louis Land (BII), Louis Capital (TGG)… 

Thương vụ đổi chủ của Angimex từng khiến cổ phiếu AGM nổi sóng trên sàn chứng khoán. Cụ thể, những năm gần đây, cổ phiếu AGM chỉ dao dịch quanh 10.000- 15.000 đồng/cp. Tuy nhiên, trong tháng 5/2021, khi thông tin về thương vụ đổi chủ được hé lộ, cổ phiếu này đã tăng trần 15 phiên liên tiếp, giá cổ phiếu tăng từ 15.000 đồng/cp lên 30.000 đồng/CP chỉ trong vòng 2 tuần, sau đó dập dình đi ngang cho đến nay. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, cổ phiếu AGM đang giao dịch ở mức 33.250 đồng/CP. 

Tin liên quan
Tin khác