Thời sự
Hậu Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khá
Trúc Giang - 13/10/2020 15:50
Sáng ngày 13/10, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc.

Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự và chỉ đạo Đại hội.

.

Phát biểu khai mạc Đại hội, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, nhiệm kỳ vừa qua, toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị tỉnh nhà tiếp tục ổn định, duy trì và phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức đồng lòng, lãnh đạo cán bộ Đảng viên và nhân dân đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, với nhiều điểm sáng nổi bật về phát triển kinh tế, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, giáo dục đào tạo và thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đảng viên được nâng lên; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, tăng cường; lòng tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng được nâng cao. Những kết quả đạt được nêu trên là nguồn lực quan trọng, tạo tiền đề để Hậu Giang tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn trong giai đoạn tới. 

Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Châu, bên cạnh những kết quả đạt được, Hậu Giang vẫn còn là tỉnh nghèo; đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, lại phải ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng; các lĩnh vực kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn yếu kém, thiếu tính liên kết; vị trí của Hậu Giang trong các quy hoạch phát triển vùng cũng chưa rõ nét; chất lượng đội ngũ cán bộ còn chưa đồng đều, một số cán bộ thiếu quyết liệt, sáng tạo, năng động trong thực hiện nhiệm vụ; sự phối hợp trong công việc đôi khi chưa thực sự nhịp nhàng...

.

Ông Lê Tiến Châu đề nghị: “Phát huy truyền thống anh hùng của quê hương Hậu Giang, kế thừa những thành tựu đã đạt được, với phương châm “đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, tôi trân trọng đề nghị các đại biểu dự Đại hội nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ, thực hiện tốt nội dung, chương trình Đại hội đã đề ra, góp phần để Đại hội thành công tốt đẹp”.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, ông Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, tuy đạt được nhiều thành tích, nhưng Hậu Giang vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới. Đó là: việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng có mặt còn hạn chế, nhất là khâu kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực tiễn. Còn có cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở một số đơn vị mắc sai phạm, vi phạm phải xử lý kỷ luật. Tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo, vượt khó của một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa cao. Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, có mặt còn lúng túng, bị động. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ. Quy mô kinh tế nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, phát triển thiếu bền vững. Hợp tác, liên kết phát triển theo chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ. Công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chưa tạo được bước phát triển đột phá...

Ông Phạm Minh Chính nhất trí và đánh giá cao Báo cáo chính trị và các văn bản do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình Đại hội; đồng thời gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm đối với tỉnh Hậu Giang như sau:

Một là, tiếp tục giữ gìn, củng cố, dày công chăm lo, vun đắp cho sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và các tầng lớp nhân dân. Cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để khơi dậy mạnh mẽ mọi tiềm năng, nguồn lực và khát vọng, chuyển hóa được truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa của Hậu Giang thành nguồn lực để phát triển; biến khó khăn, thách thức thành động lực để vươn lên; phát huy mạnh mẽ nội lực là nhân tố quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài; đồng thời tranh thủ tối đa mọi nguồn lực từ bên ngoài là quan trọng, đột phá. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang cần phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, tinh thần đoàn kết; thi đua phấn đấu tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần vào việc biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể, đưa Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững hơn trong thời gian tới.

Hai là, tiếp tục xác định và thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ba là, tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Đảng bộ Tỉnh Hậu Giang cần xác định rõ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và những hạn chế của địa phương trong mối tương quan của khu vực và cả nước để cụ thể hóa thành mục tiêu, phương hướng, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Đổi mới toàn diện, phát triển kinh tế xã hội trong đó chú ý các giải pháp huy động các nguồn lực để phát triển, trọng tâm là 3 đột phá chiến lược: hoàn thành xây dựng và thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ trọng điểm, nhất là giao thông kết nối liên vùng và hạ tầng khu, cụm công nghiệp. 

Nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua, kinh tế của tỉnh Hậu Giang tiếp tục phát triển với tốc độ khá, GRDP bình quân của tỉnh đạt 6,3%/năm. GRDP theo giá hiện hành tăng từ 25.247 tỷ đồng năm 2015 lên 36.438 tỷ đồng năm 2020 (tăng gần 1,5 lần so với thời điểm đầu nhiệm kỳ). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp. GRDP bình quân đầu người cuối năm 2020 đạt 49,96 triệu đồng, tăng gần 1,47% lần so với đầu nhiệm kỳ; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 2%/năm. Thành tựu nổi bật của tỉnh là xây dựng nông thôn mới; phát triển, nâng loại đô thị hoàn thành sớm hơn một năm so với chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ đề ra...

Tỉnh đã thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp để huy động, thu hút nguồn lực đầu tư; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thành lập Trung tâm hành chính công, tăng cường áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; ban hành danh mục các dự án thu hút đầu tư; củng cố kiện toàn tổ chức và nội dung hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp. Qua đó, thu hút đầu tư vào tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Tính đến nay, tỉnh Hậu Giang có 355 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 127.623 tỷ đồng và 30 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 553 triệu USD.

Về phát triển doanh nghiệp, trong 5 năm qua toàn tỉnh có thêm 3.000 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký gần 15.000 tỷ đồng, tăng 76% về số doanh nghiệp và tăng 91% về số vốn đăng ký so với nhiệm kỳ trước.

Trên cơ sở dự báo, đánh giá những khó khăn và thuận lợi, trong nhiệm kỳ 2020- 2025, tỉnh Hậu Giang đề ra mục tiêu: Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đảm bảo quốc phòng, an ninh; phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững; khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khá.

Tin liên quan
Tin khác