| ||
Sau hợp nhất, cái tên Ficombank đã biến mất trên thị trường |
Nếu trước đây đề án thành lập ngân hàng xây dựng bị bác bỏ, thì nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho phép một mô hình ngân hàng đa năng tập trung ưu tiên lĩnh vực xây dựng.
Vì thế, sau khi nhóm cổ đông mới tham gia vào TrustBank, với tỷ lệ cổ phiếu chi phối 84%, trong đó Tập đoàn Thiên Thanh nắm gần 10%, thì tên của nhà băng này cũng được thay đổi thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (Buildbank) theo Quyết định 1161/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN.
Chiến lược phát triển của Buildbank là thay đổi để thành công. Theo ông Phan Thành Mai, thành viên thường trực HĐQT Buildbank, nếu nhiều năm trước đây, mô hình ngân hàng xây dựng sử dụng nguồn vốn nhà nước chưa thực sự phù hợp, nhưng ở thời điểm hiện tại và trong dài hạn, mô hình ngân hàng xây dựng chủ động nguồn vốn từ các tập đoàn, tổ chức, nhà đầu tư... sẽ phát huy ưu thế.
Với đối tác chiến lược có hệ thống kết nối doanh nghiệp về sản xuất, vật liệu xây dựng, thiết bị nội ngoại thất, nhà ở cho người thu nhập thấp, nên Buildbank được xem là một trong những ngân hàng chuyên ngành đầu tiên tại Việt Nam. Kế hoạch trong năm nay của Buildbank là tăng vốn lên 7.500 tỷ đồng, tổng tài sản dự kiến đạt 42.000 tỷ đồng.
Không chỉ với TrustBank, trên thị trường tài chính trước đó, cũng có không ít ngân hàng được đổi tên sau khi có sự tham gia của cổ đông lớn. Chẳng hạn, trước những khó khăn của thị trường, GiaDinh Bank đã phải thu hút thêm nguồn lực từ cổ đông chiến lược để nâng cao năng lực tài chính và sau khi có sự tham gia của cổ đông lớn là Tập đoàn Bản Việt, GiaDinh Bank đã đổi tên thành Viet Capital Bank.
Hệ thống ngân hàng đang từng bước được tái cơ cấu. Trong đó, với các nhà băng nhỏ áp lực tái cấu trúc đè nặng, nhất là khi các cổ đông lớn lần lượt thoái vốn để tập trung củng cố năng lực tài chính sau khủng hoảng.
Minh chứng là, ACB đã thoái vốn khỏi DaiA Bank, KienLong Bank và VietBank để củng cố nội lực sau khủng hoảng vào tháng 8/2012. Vì thế, việc “bầu” Thắng vừa được Đại hội đồng cổ đông KienLongBank thống nhất bầu vào ghế Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cũng khiến nhiều người liên tưởng đến việc KienLongBank đã thu hút thêm cổ đông lớn, để tăng năng lực tài chính trước bối cảnh khó khăn, cùng áp lực tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Tuy đến thời điểm này, thương vụ M&A giữa HDBank và DaiA Bank chưa có hồi kết, nhưng đã được HĐQT HDBank và cả ông Quách Văn Đức - Chủ tịch HĐQT DaiA Bank xác nhận, hai bên đang trao đổi thông tin về kế hoạch này. Song theo một nguồn tin đáng tin cậy, khả năng thương vụ này sẽ sớm có kết quả trong đại hội lần 2 của DaiA Bank, dự kiến vào tháng 6 tới.
TS. Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, ngân hàng nhỏ phải từng bước sắp xếp, bố trí lại chiến lược kinh doanh và cuối cùng, nếu không thể tự đứng vững, phải tìm đối tác để sáp nhập, hợp nhất, bán lại…, nhằm tạo sức mạnh lớn hơn.
Thùy Vinh