Nghị trường nóng chuyện xây dựng trái phép
Bước vào phiên chất vấn, đại biểu Thi thị Tuyết Nhung đặt vấn đề, “vì sao có đến hàng ngàn trường hợp xây dựng trái phép, không phép bị phát hiện, xử lý... liệu rằng công tác quản lý có vấn đề gì không?”
Đại biểu Lê Thị Kim Hồng cho rằng, công tác phối hợp trong quản lý trật tự xây dựng là vấn đề quan trọng, nhưng theo quy chế phối hợp hiện nay căn cứ vào Quyết định 58 năm 2013 của UBND Thành phố thì có những nội dung chưa phù hợp với quy định hiện hành khiến công tác phối hợp bất cập, lúng túng.
Nói về cách thức thực hiện xây dựng trên đất nông nghiệp, Đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm cho rằng, hiện nay TP.HCM đang khuyến khích nông dân thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Nông dân phải đầu tư cơ sở vật chất như cơ sở công trình chính phục vụ chăn nuôi, trồng trọt. Nhưng việc cho phép xây dựng các công trình này còn khó khăn, bất cập. Và thực tế khi cho phép xây dựng công trình sản xuất rồi, đến lúc không sản xuất nữa chuyển mục đích như nhà trọ, nhà kho thì làm ảnh hưởng đến nhu cầu đích thực của người dân khác.
Trả lời chất vấn của đại biểu, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM thẳng thắn nhận trách nhiệm trước những tồn tại, hạn chế về mặt quản lý của ngành xây dựng Thành phố.
Ông Lê Hòa Bình cho hay, công trình xây dựng sai phép có loại công trình lên đến hàng chục %. Với những công trình cố tình vi phạm, bắt buộc phải xử lý nghiêm. Ở những quận, huyện đang đô thị hóa, xây dựng trái phép phức tạp, trong đó có nguyên nhân bất cập trong quản lý, có nơi còn buông lỏng.
"Việc cấp giấy phép xây dựng còn khó, rườm rà, không tạo thuận lợi cho người dân. Do vậy, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chúng tôi đang tập trung để góp phần hạn chế xây dựng trái phép do nguyên nhân xin giấy phép khó", ông Bình nói.
Ông Bình cho biết thêm, đầu tháng 7, Sở Xây dựng có làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường để tiến tới thực hiện quy trình liên thông trong cấp phép xây dựng giữa các sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kiến trúc; liên thông trong việc xây dựng và kiểm tra cấp giấy. Như vậy, đơn vị nào thực hiện công tác kiểm tra xây dựng thì kiểm tra xây dựng, đơn vị nào kiểm tra cấp giấy thì kiểm tra cấp giấy. Tình trạng trên sẽ được khắc phục.
“Tuy nhiên phải làm việc thật kỹ, không khéo các dự án xin là nhà ở riêng lẻ nhưng sau đó lại chia cắt thành nhà ở để bán. Đây là việc chúng tôi đang suy nghĩ, vừa là cải cách hành chính để người được đáp ứng dân nhanh hơn trong công tác xây dựng, hoàn công nhưng cũng không để xảy ra hệ lụy khiến chúng ta phải khắc phục khổ hơn. Trong 6 tháng đầu năm, Sở Xây dựng Thành phố đã ban hành 774 quyết định, trình Chủ tịch UBND TP ban hành 151 quyết định xử phạt hành chính”, ông Bình nói.
Về phần chất vấn của đại biểu Lê Thị Ngọc Cẩm, ông Bình cho biết Phó chủ tịch UBND đã họp và thống nhất cách thức thực hiện xây dựng trên đất nông nghiệp và thí điểm tại 2 huyện. Sở Xây dựng sẽ sớm có dự thảo trình HĐND và triển khai thí điểm.
“Phải xử lý hình sự cò đất phân lô, bán nền trái phép”
Cũng liên quan đến phần chất vấn của các đại biểu HĐND, nói về việc nhận diện thế nào về xây dựng không phép, trái phép gây mất trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, tất cả báo cáo của UBND, HĐND đã nói rõ, có cái của Nhà nước, có cái của doanh nghiệp, có cái của người dân. Chúng ta đã có giải pháp xử lý nhưng đi vào cụ thể sẽ thấy đại đa số người dân Thành phố chấp hành tốt vấn đề trật tự xây dựng, chỉ có 2 nhóm trong quá trình mua bán, sang nhượng đất đai cố tình vi phạm trật tự xây dựng.
Một là không có giấy tờ nên không ra xin phép xây dựng được. Hai là không có dự án nên không thể nào triển khai theo đúng quy trình thủ tục của dự án.
“Hai loại này xuất phát từ cò đất hay môi giới đất. Môi giới thực chất là cò nhưng có tổ chức hơn, những người mua đất rồi sang tay kiếm lợi”, ông Hoan nói.
Cũng theo ông Hoan, hiện có rất nhiều công ty không có chức năng kinh doanh bất động sản hoặc có chức năng nhưng không có năng lực đầu tư kinh doanh bất động sản, họ tìm mua các miếng đất nằm trong quy hoạch và triển khai ngay các bước không cần xin phép để mua bán, xây dựng sang tay. Tạo ra điểm nóng vì có những nhóm chuyên làm việc này, lan tỏa ở miền Đông và Tây Nam Bộ.
“Có thể nói, trong quá trình phối hợp, có những nguyên tắc mình triển khai chưa tới nơi tới chốn. Ví dụ nguyên tắc phối hợp phải phát hiện kịp thời nhưng mình phát hiện lúc nào cũng chậm hơn, đặc biệt ở địa bàn xa. Cái này do cơ chế phối hợp chưa đồng bộ, chưa thống nhất. Nhiều khi đi qua không biết công trình do Thành phố hay địa phương cấp phép. Đây là lỗ hổng trong cơ chế phối hợp”, ông Hoan nhận định. Và phân tích thêm, chúng ta cần xem xét mô hình liên kết thông tin các dự án cấp phép, dự án nào chưa đượccấp phép, dự án vi phạm, xử lý vi phạm, kết quả xử lý… Những thông tin này được truyền tải lên hệ thống từ quận, huyện, phường xã để công chức phường xã, địa chính đều tham gia.
“Với trường hợp đầu nậu đó phải xử lý hình sự, không để tự tung tự tác. Ở phường, xã, các đồng chí biết hết nhưng chưa nhận diện hết tác hại của việc này và chưa giải quyết”, ông Hoan nhấn mạnh
ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM trả lời chất vấn của các đại biểu |
Giải pháp nào “loại bỏ” doanh nghiệp làm ăn chụp giật?
Tại kỳ họp, một số ý kiến của đại biểu bày tỏ bức xúc về việc chủ đầu tư lừa đảo, khi bán nhà đất cho khách hàng, nhưng không đủ tính pháp lý, thậm chí chủ đầu tư mang nhà đất đã bán cho khách hàng đi cầm cố ngân hàng. Tình trạng này khiến nhà đất của khách hàng bị treo quyền sở hữu, dù đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư.
“Sao lại có sự nghịch lý như vậy. Khách đã trả đủ tiền mà vẫn không được quyền sở hữu theo đúng quy định. Phải có sự tháo gỡ triệt để vấn đề này”, ông Phạm Đức Hải, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM bức xúc.
Về vấn đề này, Ông Hoan cũng thừa nhận thực trạng bất cập này là một tồn tại, cần tiếp tục quan tâm đặc biệt để giải quyết, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
Nêu ra nhiều giải pháp chấn chỉnh, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh đến việc mà UBND TP.HCM đã thống nhất quan điểm, đó là xử lý hình sự nhà đầu tư cố tình lừa đảo khách hàng trong giao dịch, “cấm cửa” nhà đầu tư làm ăn gian dối…
Còn ông Lê Hòa Bình cũng cho biết, TP.HCM đã giao cho Sở Xây dựng xây dựng phần mềm (app) quản lý, công khai thông tin các dự án bất động sản trên địa bàn, app này đi vào hoạt động sẽ dần loại bỏ được những thông tin thiếu minh bạch, “liều thuốc” đặc trị những doanh nghiệp chuyên làm ăn chụp giật.
“Hiện Sở đã xây dựng xong phần mềm và sắp tới đi vào hoạt động thí điểm. Khi ổn định sẽ trình lãnh đạo UBND TP.HCM để thông qua”, ông Bình nói.