Phát biểu tại buổi họp chiều nay, Chủ tịch HĐND TP.HCM , bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng dự án nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch rất quan trọng cho sự phát triển, nâng cao đời sống người dân Thành phố.
"Đây là dự án có tầm vóc thế kỷ, được người dân thành phố chờ đợi từ lâu nên đề nghị các đại biểu cân nhắc”, bà Quyết tâm nói về dự án nhà hát trước khi các đại biểu HĐND thảo luận có thông qua việc xây dựng nhà hát hay không.
HĐND TP.HCM đã thông qua xây dựng dự án nhà hát tại Khu đô thị Thủ Thiêm trị giá 1.500 tỷ đồng |
Trình bày cụ thể về Dự án, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, dự án với kinh phí dự kiến 1.508 tỷ đồng lấy từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1), triển khai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022, chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa - Thể thao Thành phố.
Theo ông Liêm, đây là dự án rất quan trọng với TP.HCM hiện nay bởi Thành phố là đô thị văn minh, hiện đại, là đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và nhiều giá trị khác nên rất cần một công trình văn hóa xứng tầm. Ngoài ra, Dự án còn góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa của người dân thành phố trong bối cảnh hội nhập; đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giá trị mang nét đặc trưng.
Sau khi nghe bà Quyết Tâm và ông Liêm nói về dự án, các đại biểu bắt đầu thảo luận. Trong đó, Nhạc trưởng Trần Vương Thạch (Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch) nhìn nhận, Thành phố đang thiếu nhà hát, từ trung tâm đến các quận huyện. Các nhà hát hiện có đã cũ, quy mô nhỏ hoặc xuống cấp, không đủ phục vụ chương trình nghệ thuật tầm cỡ.
Theo ông Thạch, nhà hát là điều kiện tiên quyết để xây dựng môi trường văn hóa và thiết chế văn hóa thành phố. Nếu có nhà hát đúng chuẩn, Việt Nam có thể thu hút các đoàn nghệ thuật giao hưởng lớn trên thế giới.
Còn bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM thì e ngại về tính kết nối không gian của nhà hát với Khu đô thị Thủ Thiêm và trung tâm thành phố.
Riêng bà Võ Thị Ngọc Thúy băn khoăn về mối tương quan giữa quy mô hai khán phòng 1.200 và 500 chỗ cùng công năng của nhà hát. Nếu nhà hát hướng đến mục tiêu văn hóa, xã hội thì kiến trúc và mỹ thuật là quan trọng nhất. Còn xét tác động phát triển của du lịch, giá trị kinh tế, bà cho rằng cần đặt câu hỏi "Nhà hát Hòa Bình 1.300 chỗ và Nhà hát Thành phố 400 chỗ đã sử dụng hết công suất hay chưa, nhà hát mới có điểm gì khác?".
Xét mục tiêu tổ chức liên hoan quốc tế, bà Thúy cho rằng, số ghế ngồi chưa đủ, khuôn viên cây xanh cũng cần tính đến là nơi triển lãm các giá trị nghệ thuật. Còn về giá trị sử dụng, đại biểu này đặt vấn đề: "Thành phố đã khảo sát thị trường để biết được nhu cầu nhạc giao hưởng, vũ kịch của khán giả ra sao? Nhà hát sử dụng đa năng hay chỉ dành cho giao hưởng, vũ kịch? Nếu đa năng thì chỗ ngồi trên liệu có đủ đáp ứng?".
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Thuý (Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM) cho hay, nhà hát sẽ được xây dựng theo hướng nghệ thuật hàn lâm, không theo hướng đa năng nhưng có thể dùng để biểu diễn nhiều môn nghệ thuật khác.
Điều còn băn khoăn là nhà hát tạo điều kiện để nhiều người dân tiếp cận được các bộ môn nghệ thuật, đào tạo được lực lượng nghệ sĩ phục vụ người dân khi nhà hát hoàn thành.
Sau ba giờ thảo luận, cuối cùng HĐND TP.HCM cũng đã thông qua dự án đầu tư xây dựng nhà hát tại Khu đô thị Thủ Thiêm.