. |
VNPT: 5 năm, thu nhập tăng gấp gần 3 lần
Tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ với Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT đã báo cáo tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn. Trong đó, một con số gây chú ý là thu nhập bình quân của người lao động năm 2018 khoảng 28 triệu đồng/tháng.
Con số này thực sự gây bất ngờ bởi 5 năm trước, khi bắt đầu tái cấu trúc, lương của cán bộ, nhân viên của VNPT mới ở mức 11,7 triệu đồng/tháng. “Trong quá trình tái cơ cấu, Tập đoàn đã tập trung xây dựng cơ chế tạo động lực cho người lao động, ban hành và triển khai thống nhất, đồng bộ trong toàn Tập đoàn hệ thống lương 3Ps và các chỉ tiêu đánh giá BSC/KPI. Đây chính là động lực thúc đẩy người lao động nâng cao hiệu quả công việc, năng suất lao động, tăng thu nhập”, ông Long cho biết.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ví VNPT như một “hình mẫu bùng nổ trong viễn thông” khi vừa tái cấu trúc, vừa sản xuất - kinh doanh, mà vẫn tăng trưởng lợi nhuận cao và ổn định, đảm bảo đời sống cho hàng chục ngàn lao động, có nhiều đóng góp trong xây dựng Chính phủ điện tử, giáo dục thông minh, y tế thông minh, thành phố thông minh... “Với mức thu nhập bình quân người lao động đạt 28 triệu đồng/tháng, nếu nhân với hơn 37.000 cán bộ, nhân viên, mới thấy được sự đóng góp to lớn của VNPT với xã hội”, Phó thủ tướng đánh giá.
Viettel: Doanh nghiệp trả lương thưởng cao nhất
Thu nhập của nhân viên VNPT đã cao, nhưng thu nhập bình quân của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) mới là mức cao nhất. Báo cáo của Viettel cho biết, năm 2017, thu nhập bình quân của nhân viên Viettel đạt 31,8 triệu đồng/người. Viettel cũng là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng thu nhập cho nhân viên ở mức… khủng khiếp, tăng tới 29 lần so với năm 2000 (1,1 triệu đồng/người).
Mức lương 650-700 triệu đồng/năm của nhân viên đi thị trường nước ngoài của Viettel là “chuyện thường ngày ở Viettel”. Đầu năm 2010, khi triển khai kế hoạch sản xuất điện thoại di động thương hiệu Việt, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đồng ý cho Tập đoàn trả lương cho chuyên gia nước ngoài mức 23.000 USD/tháng, tương ứng gần 6 tỷ đồng/năm, một mức lương vượt khung chưa có tiền lệ.
Trong chiến lược phát triển đến năm 2020, Viettel đặt mục tiêu tăng năng suất lao động (doanh thu trừ chi phí chưa lương) 3- 4 tỷ đồng/người/năm và thu nhập bình quân từ 40- 50 triệu đồng/người/tháng.
MobiFone: Gần 22,8 triệu đồng/tháng
Trong khi đó, theo Chủ tịch Tổng công ty Viễn thông MobiFone Nguyễn Mạnh Thắng, dù năm 2018 có nhiều khó khăn, nhưng MobiFone vẫn đạt được những kết quả nhất định. MobiFone hiện có 3.905 lao động, trong đó 90% có trình độ đại học, 20% là thạc sỹ, với mức thu nhập bình quân 22,79 triệu đồng/tháng.
So với những năm trước, thu nhập bình quân của MobiFone có sự sụt giảm. Năm 2017, MobiFone có 4.109 lao động, mức thu nhập bình quân là 24,6 triệu đồng/tháng, cao hơn mức 22,9 triệu đồng/tháng của năm 2016, trong khi năm 2015 là 22,99 triệu đồng/tháng. Việc thu nhập bình quân của nhân viên MobiFone chưa ổn định được cho là có nguyên nhân từ những sự việc lùm xùm của lãnh đạo tổng công ty này trong thời gian gần đây.
Có thể thấy, viễn thông là ngành có mức thu nhập bình quân cao và đang là niềm mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, đây cũng là ngành có sự cạnh tranh rất lớn và môi trường làm việc rất áp lực.