Thương vụ bất ngờ với thị trường
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI tiếp quản Thế Giới Kim Cương đúng vào giai đoạn nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động hết sức nặng nề và tiêu cực tới thị trường vàng bạc trang sức nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Theo thông tin từ website chính thức của Thế giới Kim Cương, thương hiệu này đã có lịch sử 15 năm tại Việt Nam, là một trong Top 3 công ty lớn nhất trong lĩnh vực bán lẻ trang sức tại Việt Nam. Hiện công ty này có 34 chi nhánh tại 34 tỉnh, thành phố với trên 100 trung tâm, cửa hàng tại hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị tại Việt Nam và gần 1.000 cán bộ, nhân viên.
Thế giới Kim Cương là một trong những thương hiệu trang sức có thị phần lớn nhất thị trường |
Những năm gần đây, Thế giới Kim cương là thương hiệu có sức vươn mạnh mẽ với doanh thu ước tính lên tới hàng ngàn tỷ đồng, trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của hai “ông lớn” trong ngành này là DOJI và PNJ.
Giá trị thương vụ này không được tiết lộ nhưng theo các chuyên gia phỏng đoán, DOJI đã phải bỏ ra con số không nhỏ để thâu tóm Thế giới Kim cương.
Còn nhớ, DOJI dưới sự lãnh đạo của ông Đỗ Minh Phú đã từng tiến hành các thương vụ mua bán, sáp nhập đình đám như: Tham gia cấu trúc và trở thành cổ đông lớn với cổ phần Chi phối tại Công ty CP SJC Hà Nội và SJC Đà Nẵng năm 2007 và 2008 mở đường cho công ty này nhanh chóng chiếm lĩnh địa bàn và trở thành đơn vị kính doanh và phân phối Vàng miếng lớn nhất cả nước. Năm 2011, ông Đỗ Minh Phú và người em trai đã bán 95% cổ phần củaDiana cho đối tác Unicharm (Nhật Bản) với mức giá gần 4.000 tỷ đồng – Đây là thương vụ M&A lớn nhất của các doanh nghiệp từ nhân vào thời điểm đó. Nhờ số tiền khổng lồ này, năm 2012, DOJI đã xuống tiền để đầu tư vào Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank) và ông chủ của DOJI đã trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị của nhà băng Tím này. Đến nay, TP Bank đã lọt top 10 ngân hàng lớn nhất Việt Nam, dẫn đầu về lĩnh vực ngân hàng số.
Có thể nói, nhìn lại chặng đường kinh doanh của ông vua Vàng bạc Đá quý này có thể thấy ông Phú thường tìm thấy cơ hội từ trong chính những thời điểm khủng hoảng.
Đại gia Đỗ Minh Phú – Ông chủ mới của Thế giới Kim cương |
Mấy chục năm trên thương trường, kinh doanh trong các lĩnh vực gai góc như Vàng bạc Đá quý – Tài chính Ngân hàng – Bất động sản, và bài học từ những lần thâu tóm và các thương vụ M&A, liệu ông Phú và DOJI sẽ làm gì khi đón nhận Thế giới Kim cương thành Công ty thành viên thứ 11 của Tập đoàn này?
Cơ hội của Thế giới Kim cương?
Theo tìm hiểu, Công ty Thế giới Kim cương chú trọng các sản phẩm Trang sức Kim cương ở phân khúc trung và cao cấp tại Việt Nam, phục vụ các đối tượng khách hàng trẻ và những người có thu nhập trong xã hội.
Một điều đáng nói là tại các trung tâm thương mại và siêu thị, Thế giới Kim cương thậm chí còn có doanh số áp đảo so với hai đại gia DOJI và PNJ vì thương hiệu này chỉ bán lẻ tại các trung tâm thương mại và siêu thị, không có các cửa hàng riêng biệt bên ngoài.
Sau khi thâu tóm Thế giới Kim cương với mạng lưới trên 100 cửa hàng thì DOJI đã nắm trong tay gần 200 điểm bán trên toàn quốc, thu hẹp khoảng cách với PNJ hiện có khoảng hơn 360 điểm.
Trung tâm Vàng bạc đá quý lớn nhất Việt Nam tại tòa nhà DOJI Tower – Số 5 Lê Duẩn – Ba Đình – Hà Nội |
Theo các chuyên gia, thế mạnh của DOJI là các trung tâm vàng bạc đá quý lớn và siêu lớn tại các thành phố trọng điểm cùng với hệ thống các trung tâm, cửa hàng riêng biệt tại các con phố lớn ở các địa phương. Giờ đây, với việc tiếp quản hệ thống “khủng” của Thế giới kim cương đã tiếp thêm sức mạnh nội lực cho Hệ thống bán lẻ của DOJI./.