Thời sự
Hé lộ phương án điều chỉnh quy hoạch Sân bay Tân Sơn Nhất mới nhất
Anh Minh - 16/03/2017 16:12
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản trình Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Sau khi triển khai, nâng cấp, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ đạt tiêu chuẩn là Cảng hàng không quốc tế cấp 4E theo quy định của ICAO, sản lượng vận chuyển hành khách đạt 43 – 45 triệu hành khách/năm, sản lượng vận chuyển hàng hóa dạt: 1 triệu tấn hàng hóa/năm

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, trước đó Bộ Giao thông vận tải cũng đã chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu hoàn thiện các phương án điều chỉnh quy hoạch (trong đó có nghiên cứu thêm các phương án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất về phía Bắc).

Trong số 3 phương án được cân nhắc, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất lựa chọn phương án 3 làm phương án điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, phương án này sẽ giữ nguyên hệ thống đường hạ cất cánh (HCC); cải tiến hệ thống đường lăn: xây mới bổ sung 1 đường lăn song song nằm giữa đường HCC 25L/07R và đường lăn song song E6; xây dựng các đường lăn kết nối đồng bộ đường lăn song song và đường cất hạ cánh; xây dựng 2 đường lăn thoát nhanh nằm giữa 2 đường HCC 25R/07L và 25L/07R.

Đối với hệ thống sân đỗ tàu bay, phương án này sẽ sử dụng sân đỗ tàu bay dân dụng hiện hữu, mở rộng sân đỗ tàu bay dung chung dân dụng, quân sự tại khu đất 19,97 ha (đất vẫn do Bộ Quốc phòng quản lý) để khai thác hàng không dân dụng. Ngoài ra, phương án này cũng mở rộng sân đỗ tàu bay trước nhà ga hành khách lưỡng dụng T3, nâng tổng số vị trí đỗ tại sân bay lớn nhất Việt Nam lên 82 vị trí khai thác.

Đối với quy hoạch khu hàng không dân dụng, phương án được lựa chọn điều chỉnh sẽ xây mới Nhà ga hành khách lưỡng dụng T3 và T4 với công suất thiết kế đạt 10 triệu hành khách/năm, nâng tổng công suất thiết kế của Nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lên mức 45 – 48 triệu hành khách/năm.

Phương án này cũng lựa chọn xây mới khu dịch vụ kỹ thuật, hangar, sân đỗ tàu bay trước hẩng trên khu đất 30ha phía Bắc của Cảng. Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất xây mới khu dịch vụ kỹ thuạt gồm khu bảo dưỡng sửa chữa thiết bị máy bay, kho hàng, khu chế biết suất ăn, khu tập kết… tại khu đất 10ha phía Đông Nam của Cảng.

Đối với quy hoạch giao thông, đường trục ra vào sân bay, phương án này sẽ cải tạo, mở rộng đường 18E nối từ đường Cộng Hòa vào nhà ga hành khách T4, đồng thời cải tạo, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám để nối từ đường Cộng Hòa vào nhà ga T3.

Về tổng quy hoạch sử dụng đất, theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng diện tích dất của sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 574,44 ha, đến năm 2030 sẽ tăng lên 621,20 ha (không bao gồm đất quân sự quản lý), trong đó: diện tích đất khu bay dung chung do hàng không quản lý là 435,48 ha, diện tích đất do hàng không quản lý là 121,46 ha, diện tích đấtquân sự đã liên danh với hàng không 17,50 ha, diện tích Quốc phòng quản lý, tạm thời bàn giao cho hàng không dân dụng làm sân đỗ máy bay là 26,9 ha, diện tích đất mở rộng để xây dựng nhà ga T3, T4 là 19,86 ha.

Tổng mức đầu tư của dự án vào khoảng 19.350 tỷ đồng, huy đồng từ nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau, bao gồm vốn nhà nước chỉ đầu tư vào các hạng mục trong khu bay, còn lại huy động vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.

Sau khi triển khai, nâng cấp, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ đạt tiêu chuẩn là Cảng hàng không quốc tế cấp 4E theo quy định của ICAO, sản lượng vận chuyển hành khách đạt 43 – 45 triệu hành khách/năm, sản lượng vận chuyển hàng hóa dạt: 1 triệu tấn hàng hóa/năm, với tổng số vị trí đỗ máy bay là 82 vị trí, loại máy bay khai thác: ATR72, A32, A321, B747, B777/787, A350 và tương đương, phương thức tiếp cận hạ cánh đạt CAT II.

Với phương án này, tổng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất lên 43-45 triệu hành khách/năm, trong khi, chỉ phải giải phóng mặt bằng 19.86 ha đất quân sự để xây dựng nhà ga, không cần giải toả đất dân sự. Tổng mức đầu tư theo phương án này khoảng 19.350 tỷ đồng, thời gian xây dựng hoàn thành trong 2-3 năm.

Do tính chất cấp bách của dự án tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không cũng đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chấp thuận cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để huy động nguồn vốn xã hội hóa.

Theo đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ ứng vốn từ Quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp để triển khai ngay dự án này nhằm đáp ứng tiến độ hoàn thành. Nguồn vốn hoàn ứng cho ACV sẽ được thu xếp theo hình thức: Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ ghi vốn hoàn ứng cho dự án trong kế hoạch bổ sung đầu tư công trung hạn 2016 – 2020 ( bổ sung danh mục dự án sử dụng nguồn vốn dự phòng của đầu tư công trung hạn 2016 – 2020); hoặc cho phép giữ lại khoản thu nộp ngân sách nhà nước hàng năm của 3 Cảng vụ hàng không (khoảng 190 tỷ đồng/năm 2016) và giữ lại khoản tiền cổ tức trên phần vốn nhà nước hàng năm của ACV (khoảng 150 tỷ đồng/năm 2016) để hoàn ứng cho dự án.

Liên quan tới quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, Chính phủ và Bộ Quốc phòng đã đồng ý phương án di dời hoạt động quân sự tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sang sân bay Biên Hòa và Cần Thơ, tạo điều kiện thông thoáng hơn cho hoạt động bay dân dụng tại sân bay này.

Tin liên quan
Tin khác