Đầu tư
Hệ lụy từ những vi phạm đấu thầu lĩnh vực y tế
Ngọc Tuấn - 16/12/2018 09:18
Thời gian gần đây nhiều vi phạm đấu thầu lĩnh vực y tế bị các cơ quan hữu trách phát giác đã để lại tỳ vết cho ngành này, kèm nhiều hệ lụy khó khắc phục.
TIN LIÊN QUAN

Những mảng tối

Sau khi hàng loạt gói thầu trong lĩnh vực y tế đang gặp trắc trở vì rơi vào tình trạng bị các nhà thầu khiếu kiện hoặc các cơ quan nhà nước thanh kiểm tra, thì mới đây, sự việc xảy ra ở tại TP.HCM và Bình Dương càng khiến giới nhà thầu thêm quan ngại.

.

Sự việc thứ nhất diễn ra vào cuối tháng 11/2018, khi Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ Công an điều tra dấu hiệu sai phạm tại Sở Y tế tỉnh Bình Dương, khi Kiểm toán Nhà nước phát hiện một số sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật của đơn vị này  trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế đã thực hiện năm 2017.

Những sai phạm được Cơ quan kiểm toán chỉ ra là, Sở Y tế tỉnh Bình Dương lựa chọn nhà thầu mua sắm trực tiếp không qua đấu thầu ở 2 gói thầu mua sắm thuốc chữa bệnh có tổng giá trị trên 679 tỷ đồng; Tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu cung cấp vật tư y tế sai quy định cho Bệnh viện Đa khoa Bình Dương với tổng giá trị trên 2,2 tỷ đồng; tham mưu phê duyệt lựa chọn đưa vào kế hoạch đấu thầu nhiều loại thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp… trái quy định, có giá trị cao hơn giá quy định trên 9,3 tỷ đồng.

Theo Kiểm toán Nhà nước, Sở Y tế tỉnh Bình Dương còn tự tổ chức chấm thầu, lựa chọn nhà thầu cung cấp 224 mặt hàng thuốc trái quy định, có giá cao hơn giá thuốc quy định gây thiệt hại cho Quỹ bảo hiểm Y tế trên 4,8 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở Y tế tỉnh Bình Dương lựa chọn đấu thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu một số loại thuốc trái với cảnh báo của Bộ Y tế, có giá trị trên 2,6 tỷ đồng.

Sự việc thứ hai là những sai phạm trong đấu thầu tại Dự án Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ mới công bố, Dự án đã xảy ra sai phạm trong tư vấn thẩm định giá trang thiết bị y tế.

Theo đó, Công ty cổ phần Tư vấn và thẩm định giá Đông Nam Á được chủ đầu tư, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế TP.HCM chỉ định thầu tư vấn thẩm định giá trang thiết bị y tế. Công ty Đông Nam Á sử dụng phương pháp so sánh giá trực tiếp dựa trên báo giá của các doanh nghiệp kinh doanh tranh thiết bị y tế, nhưng chưa cung cấp đầy đủ giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất. Công ty Đông Nam Á sử dụng các báo giá, trong đó có một số cùng cấu hình, model, xuất xứ… làm cơ sở so sánh và xác định “giá trị thị trường” của hàng hóa là không đáp ứng yêu cầu về một giao dịch khách quan, độc lập, đầy đủ thông tin. Ngoài ra, đơn vị này chưa cung cấp đầy đủ tài liệu chứng minh thông tin thu thập đảm bảo khách quan đúng theo thực tế các giao dịch tài sản và dựa trên bằng chứng cụ thể để chứng minh về mức giá của tài sản đã giao dịch thành công trên thị trường theo tiêu chuẩn thẩm định giá. Sai phạm tiếp theo là về tư vấn, đánh giá hồ sơ mời thầu.

Quan trọng hơn, quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu có 266/361 (chiếm 74%) hàng hóa nhập khẩu không có giấy phép bán hàng của nhà sản xuất (chỉ có giấy ủy quyền của nhà phân phối). Đặc biệt, 19/24 gói thầu có danh sách nhân sự tham gia không đáp ứng yêu cầu.

Hệ lụy nặng nề

Sự việc tại Sở Y tế tỉnh Bình Dương có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 quy định “tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tại sự việc thứ hai, Thanh tra Chính phủ yêu cầu xử lý trách nhiệm để xảy ra sai phạm. Theo đó, về trách nhiệm trong xây dựng công trình, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế là thuộc về Bộ Y tế, UBND TP.HCM, Sở Y tế, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế TP.HCM, các nhà thầu tư vấn, thiết kế, thi công, cung cấp trang thiết bị y tế. Thanh tra Chính phủ đề nghị các đơn vị liên quan kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, tập thể, cá nhân theo kết luận.

Có thể nhận định, trách nhiệm để xảy ra vi phạm đấu thầu y tế sẽ được xử lý song hệ lụy nghiêm trọng hơn là hiệu quả từng vốn đầu tư công trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ nhân dân sẽ ảnh hưởng lớn. Từ những vi phạm dẫn tới việc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, thiết bị y tế không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng thiết bị, thuốc không đảm bảo đòi hỏi thực tiễn khám chữa bệnh và hơn thế nữa giá trúng thầu bị đội lên đã tạo ra thiệt hại kép cho nguồn lực xã hội. Không chỉ vậy, dư địa thiệt hại mang lại từ các sai phạm đấu thầu kể trên không thể khắc phục trong một sớm, một chiều hay việc quy trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân có trách nhiệm mà sẽ “phát tác” suốt quá trình vận hành trong vòng đời dự án mà khó có ai có thể cân đo, lượng định được thiệt hại.

Những “mảng tối” đấu thầu y tế trên lộ diện như thêm dầu vào lửa khi ngành y tế đang “nóng” với vấn nạn đấu thầu xấu xí, ảnh hưởng nặng nề tới môi trường đấu thầu lĩnh vực “xôi mật” với giá trị đầu tư, mua sắm hàng trăm ngàn tỷ đồng hàng năm này. Sự không công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu y tế không còn chỉ là những liên tưởng không có cơ sở của giới nhà thầu nữa, mà đã có những minh chứng cụ thể, bằng những sự vụ hiện hữu.

Tin liên quan
Tin khác