Chất lượng và số lượng thương vụ đầu tư các start-up có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018 với tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2017. |
Khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, sáng ngày 2/5/2019 tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban KTTW; đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo chuyên đề 6: “Các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam: Nút thắt và các kiến nghị”. Tham dự còn có gần 300 đại biểu đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương,các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các chuyên gia trong nước và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Bắt nhịp với những diễn biến nhanh chóng của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CN 4.0), một trong những cách thức ứng phó phù hợp được Việt Nam đưa ra là đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (start-up). Các định hướng chính sách cho thấy, hoạt động khởi nghiệp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nghiệp tư nhân, đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam hết sức quan tâm.
Thời gian qua, số lượng và chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng tăng, cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp, gần 70 khu không gian làm việc chung, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, đã hình thành thêm một số quỹ đầu tư mạo hiểm như Quỹ đầu tư mạo hiểm của Tập đoàn Vingroup, Start-up Viet Partner..., với những vườn ươm tiêu biểu như: Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, Vườn ươm Đà Nẵng (DNES), Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội,
Chất lượng và số lượng thương vụ đầu tư các start-up có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018 với tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2017. Sự hiện diện của các nhà đầu tư quốc tế cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng tăng, số lượng và hoạt động của nhà đầu tư thiên thần bắt đầu có xu hướng tăng, với nhận diện chủ yếu là những doanh nhân khởi nghiệp đã thành công ở thế hệ đầu mong muốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở thế hệ sau. Hoạt động của các nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam đã bắt đầu có tính hệ thống hơn qua việc phát triển một số hoạt động liên kết, kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: VIC Impact, iAngel, Angel4us, …
Vẫn còn nhiều khó khăn
Tuy nhiên, môi trường phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các chính sách về đầu tư, các vấn đề liên quan đến thoái vốn, cho vay, vốn đầu tư mạo hiểm… tạo thành các rào cản, nút thắt khiến các nhà đầu tư còn e ngại, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mất đi cơ hội kinh doanh.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hệ sinh thái của chúng ta đang thiếu rất nhiều. Bắt đầu từ đăng ký kinh doanh đã gặp vướng mắc, như doanh nghiệp khởi nghiệp còn chưa biết làm gì, mà đăng ký đòi hỏi phải cụ thể. Một mô hình kinh doanh du lịch nhỏ phải xin phép 6 tháng, đi đến đâu vướng đến đấy, ngăn cản đổi mới sáng tạo...
Bổ sung thông tin, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, trong 3 năm qua, từ khi Thủ tướng phát động quốc gia khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã đi vào thực chất, chứ không còn là phong trào, tạo ra những thị trường mới. Nguồn vốn không cần nhiều nhưng khả năng tăng trưởng cao.
Nhưng trong lĩnh vực sản xuất, sự cạnh tranh rất lớn nên cần có những giải pháp mới liên quan đến ba thứ: cấp phép nhanh, huy động nguồn vốn nhanh, và giải pháp liên quan tới thị trường xuất khẩu - bảo vệ thị trường trong nước trước những sản phẩm bên ngoài.