Chuỗi cao tốc hiện đại
Khởi công ngày 13/9/2014 tại vị trí đầu tuyến thuộc phường Đại Yên (TP. Hạ Long), Dự án Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng mở đầu cho chuỗi dự án giao thông trọng điểm của Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư ngoài ngân sách lên đến trên 30.000 tỷ đồng. Đó là các tuyến cao tốc: Hạ Long - Vân Đồn, Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn và thời gian tới là cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng có điểm đầu đấu nối với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, giao cắt với Quốc lộ 18 tại nút giao Minh Khai. Ảnh: Đỗ Phương |
Tròn 4 năm tổ chức thi công, đến nay, tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đang hoàn thiện các hạng mục cuối cùng, sẵn sàng đưa vào khai thác đồng thời với việc khánh thành cầu Bạch Đằng vào ngày 1/9.
“Không chỉ mang ý nghĩa là tuyến cao tốc đầu tiên của tỉnh, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng còn là tuyến cao tốc đầu tiên mà Chính phủ giao cho địa phương huy động vốn tự thực hiện. Sau khi đưa vào hoạt động sẽ rút ngắn quãng đường từ TP. Hạ Long đi Hà Nội từ 3,5 giờ xuống còn dưới 2 giờ. Quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng cũng chỉ còn vài chục phút”, ông Vũ Văn Diện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng có chiều dài 24,6 km, rộng 25 m, được thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h, gồm 2 dự án thành phần là cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến được đầu tư theo hình thức BOT. Chiều dài cầu 5,4 km, là công trình cầu dây văng có tính chất kỹ thuật đặc biệt, tổng vốn đầu tư khoảng 7.600 tỷ đồng. Dự án đường nối TP. Hạ Long với cầu Bạch Đằng được đầu tư bằng ngân sách tỉnh có chiều dài 19,8 km, tổng mức đầu tư 6.400 tỷ đồng.
Việc đầu tư đường cao tốc này đã tạo điều kiện, cơ hội và bước đệm tích cực cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai các dự án của mình. Đó là Khu công nghiệp Nam Tiền Phong rộng 487 ha của liên danh các nhà đầu tư quốc tế, với hệ thống cảng biển hiện đại và gần đây nhất, Tập đoàn AMATA (Thái Lan) quyết định đầu tư 155 triệu USD để xây dựng Khu công nghiệp Sông Khoai rộng 714 ha.
Đấu nối vào cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Dự án Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn cũng là dự án quan trọng. Theo thiết kế, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài gần 60 km, bắt đầu tại điểm đầu của cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, điểm cuối giao với đường trục chính vào sân bay Vân Đồn (huyện Vân Đồn). Cao tốc này bao gồm 3 dự án thành phần là xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Cẩm Hải (Km0+00 - Km53+600) và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư 10.062 tỷ đồng, bằng nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay của nhà đầu tư; bồi thường giải phóng mặt bằng, tổng mức đầu tư 2.331 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; xây dựng đường cao tốc đoạn Cẩm Hải - Vân Đồn (Km53+600 - Km59 +456), tổng mức đầu tư 1.652 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Dự án này đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo chất lượng.
Cầu Bạch Đằng nối Hải Phòng qua cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn và Vân Đồn - Móng Cái sẽ hoàn chỉnh tuyến đường hiện đại, đồng bộ ra đến cửa khẩu Móng Cái. Theo thiết kế, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đầu tư theo hình thức BOT, với chiều dài tuyến 80,2 km, tổng vốn đầu tư khoảng 12.650 tỷ đồng (phần BOT là 11.195 tỷ đồng, phần vốn nhà nước thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là 1.455 tỷ đồng), hiện đã cơ bản hoàn thiện các thủ tục đầu tư, dự kiến khởi công trong quý IV/2018 và hoàn thành vào năm 2020.
Sau khi hoàn thành, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ đưa tổng chiều dài cao tốc của tỉnh Quảng Ninh đạt 200 km. Khi đó, Quảng Ninh sẽ chiếm 1/10 chiều dài cao tốc của cả nước.
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, đây là chuỗi dự án giao thông động lực không chỉ với tỉnh Quảng Ninh, mà còn của cả khu vực phía Bắc, góp phần hoàn thiện tuyến cao tốc kéo dài từ Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đến với thành phố cửa khẩu Móng Cái. Có nghĩa là, muộn nhất đến cuối năm nay, từ Hà Nội có thể chạy một mạch tới Vân Đồn trên những tuyến cao tốc hiện đại. Đây cũng sẽ trở thành chuỗi cao tốc dài nhất Việt Nam hiện nay: Móng Cái - Vân Đồn - Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, là hành lang đường bộ đầu tiên kết nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với Trung Quốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển liên kết vùng.
Kết nối và phát triển
Hạ tầng giao thông của Quảng Ninh đang phát triển hết sức mạnh mẽ. Theo thống kê, đến nay nguồn lực dành cho việc đầu tư hạ tầng giao thông giai đoạn 2017 - 2020 đã có tổng số vốn đầu tư huy động lên đến trên 46.986 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn ngân sách tỉnh đạt hơn 7.127 tỷ đồng, còn lại là phần vốn chủ sở hữu và vốn vay của nhà đầu tư. Việc Quảng Ninh tự đứng ra huy động vốn để làm cao tốc là một ví dụ điển hình để các địa phương khác học tập. Đó chính là sự chủ động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không trông chờ vào nguồn vốn Trung ương.
Việc đầu tư hoàn chỉnh các dự án giao thông trọng điểm sẽ góp phần tạo ra nhiều phương thức giao thông trên địa bàn, giảm thời gian di chuyển để khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Ninh.
Đó là thế mạnh về du lịch: kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, du lịch tâm linh Yên Tử, Cái Bầu, Cửa Ông... Thế mạnh về kinh tế cửa khẩu thông qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Hoành Mô, Động Trung. Thu hút đầu tư và phát huy thế mạnh của các khu kinh tế trọng điểm trên địa bàn như Khu kinh tế Vân Đồn; Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; Khu kinh tế Đầm Nhà Mạc, Quảng Yên... Thế mạnh về cảng biển thông quan kết hợp giữa các phương thức vận tải giao thông đường biển - đường bộ - đường hàng không - đường sắt.
Không chỉ quan tâm đến các cửa ngõ giao thông kết nối quốc tế, hạ tầng giao thông ở các đô thị của Quảng Ninh cũng đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Các dự án này vừa đóng vai trò giảm tải giao thông và tạo điểm nhấn đô thị, vừa phục vụ nhu cầu du lịch của địa phương.
Ðơn cử, Dự án Tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, có tổng mức đầu tư 5.600 tỷ đồng, do Tập đoàn Vingroup đầu tư theo hình thức BT có chiều dài 27 km, quy mô 4 làn xe, nằm trọn bên bờ 2 di sản nổi tiếng của tỉnh là vịnh Hạ Long và Vườn di sản Bái Tử Long. Đây có thể được coi là con đường di sản của Quảng Ninh, cùng với tuyến đường bao biển Hòn Gai - Cột 8 đã đưa vào khai thác.
Hay Dự án Hầm Cửa Lục được thiết kế 6 làn xe theo tiêu chuẩn đường đô thị, có tổng chiều dài 2.140 m với tổng vốn đầu tư 7.875 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2018, góp phần giảm tải cho cầu Bãi Cháy, tạo kết nối thuận lợi giữa khu du lịch phía Tây với khu hành chính, văn hóa và các khu dân cư phía Đông của TP. Hạ Long.
Tiếp đến là chuỗi tổ hợp quy mô lớn với tổng vốn đầu tư trên 61.000 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD) tại huyện Vân Đồn, dự kiến khởi công vào cuối năm nay, gồm các dự án: Khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng, do Tập đoàn FLC nghiên cứu, tổng vốn đầu tư khoảng 46.000 tỷ đồng; Tổ hợp du lịch Sonasea Dragonbay có vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng; Tổ hợp du lịch và con đường di sản khoảng 5.000 tỷ đồng... Tại thị xã Quảng Yên là các khu công nghiệp Đầm Nhà Mạc, Sông Khoai, kết nối và là cơ sở logistics cho hệ thống cảng biển của TP. Hải Phòng. Còn tại TP. Hạ Long là các trung tâm nghỉ dưỡng, khách sạn, khu đô thị và các cảng biển đẳng cấp, do các tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup, FLC đầu tư.
Với sự đa dạng các loại hình giao thông, Quảng Ninh hiện có rất nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng giao thương với thế giới so với các tỉnh khu vực phía Bắc, là cú hích quan trọng để tỉnh tiếp tục kêu gọi, huy động được nguồn lực đầu tư lớn, nhằm phát triển Quảng Ninh nhanh và bền vững. Đây cũng là minh chứng cho sự mạnh dạn, đổi mới tư duy của Quảng Ninh.