Ngày 28/12, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chấp thuận niêm yết 35.844.262 cổ phiếu CTCP VNG (mã VNZ) trên sàn UPCoM với giá tham chiếu ngày đầu tiên là 240.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu giao dịch ngày đầu tiên là 5/1/2023.
Với giá chào sàn là 240.000 đồng/cổ phiếu, ước tính định giá của CTCP VNG là 8.602,6 tỷ đồng (khoảng 364,2 triệu USD).
Trước đó, trong năm 2014, theo World Startup Report, CTCP VNG được định giá 1 tỷ USD, trở thành doanh nghiệp kỳ lần đầu tiên tại Việt Nam. Trong năm 2019, CTCP VNG tiếp tục bán ra 355.820 cổ phiếu với giá 1.861.800 cho Seletar Investments (quỹ thuộc Temasek Holdings).
Sau giao dịch, Seletar nắm giữ 1,74 triệu cổ phiếu, tương đương 6,35% lượng cổ phần biểu quyết của VNG. Một đơn vị đầu tư khác liên quan đến Temasek là Gamvest Pte. Ltd cũng đang nắm giữ 10,25% lượng cổ phiếu đang lưu hành của VNG.
Mức giá Seletar mua năm 2019 tương đương với việc định giá VNG khoảng trên 51.000 nghìn tỷ đồng (khoảng 2,2 tỷ USD), hơn gấp đôi so với mức định giá 1 tỷ USD của công ty vào năm 2014.
Như vậy, với mức định giá chào sàn 364,2 triệu USD, thấp hơn 83,4% so với định giá thời điểm năm 2019 khi bán cổ phần cho Seletar Investments.
Theo tìm hiểu, CTCP VNG được thành lập ngày 9/9/2004 với tên gọi ban đầu là VinaGame, vốn điều lệ ban đầu là 15 tỷ đồng và hiện tại là 358,44 tỷ đồng. Trong đó, Công ty đã trải qua 16 lần tăng vốn khác nhau.
Tính tới ngày 28/12/2022, Công ty có 112 cổ đông (107 cổ đông không phải là cổ đông lớn). Trong đó, Công ty có 3 cổ đông lớn là VNG Limited (địa chỉ tại Cayman Islands) sở hữu 49% vốn điều lệ và 61,1% số lượng cổ phiếu đang lưu hành; CTCP Công nghệ BigV (Địa chỉ TP. HCM) sở hữu 4,6% vốn điều lệ và 5,7% số lượng cổ phiếu đang lưu hành; ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT VNG sở hữu 9,8% vốn điều lệ và 12,3% số lượng cổ phiếu đang lưu hành; và còn lại 36,6% vốn điều lệ thuộc về nhóm cổ đông khác.
Theo giới thiệu của VNG, đơn vị này hoạt động kinh doanh bao gồm trò chơi trực tuyến, nền tảng kết nối, thanh toán và tài chính, dịch vụ đám mây. Công ty hoạt động tại thị trường Việt Nam và thị trường quốc tế (HongKong, Thái Lan, Singapore, Philippines, Myanmar, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia).
Bên cạnh trò chơi điện tử, VNG còn đang phát triển các sản phẩm nền tảng kết nối như Zalo, Zing MP3 (nghe nhạc), Baomoi (tin tức), Kiki (trợ lý ảo tiếng việt) …; ứng dụng thanh toán ZaloPay; Dịch vụ Đám mây…
Cơ cấu doanh thu của VNG từ năm 2020 đến 9 tháng đầu năm 2022 (Nguồn: VNG). |
Xét về cơ cấu doanh thu, trong 9 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực dịch vụ trò chơi trực ghi nhận 4.056,6 tỷ đồng, chiếm 70,38% tổng doanh thu; lĩnh vực dịch vụ quảng cáo trực tuyến ghi nhận 933,3 tỷ đồng, chiếm 16,19% tổng doanh thu; lĩnh vực dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet ghi nhận 683,6 tỷ đồng, chiếm 11,86% tổng doanh thu và các lĩnh vực khác.
VNG lỗ 419,3 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022
Trong 9 tháng đầu năm 2022, VNG ghi nhận doanh thu đạt 5.763,9 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ ghi nhận lỗ 419,34 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 528,81 tỷ đồng, tức giảm 948,15 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 48,4% về còn 44,1%.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong 9 tháng đầu năm 2022, VNG ghi nhận lỗ 499,37 tỷ đồng, tức giảm 814,79 tỷ đồng so với cùng kỳ (cùng kỳ lãi 315,42 tỷ đồng).
Với việc ghi nhận lỗ trong 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty tới 30/9/2022 ghi nhận 5.867 tỷ đồng so với đầu năm là 6.648,3 tỷ đồng.
Trước thời điểm niêm yết, tính tới 30/9/2022, tổng tài sản giảm nhẹ 0,5% so với đầu năm, tương ứng giảm 48,2 tỷ đồng về 9.189,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản mục trong tài sản có sự biến động tương đối mạnh.
Trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 67,5% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.742 tỷ đồng về 837,6 tỷ đồng, chiếm 9,1% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn tăng 289% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1,152,5 tỷ đồng lên 1.551,3 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn tăng 331,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 702,8 tỷ đồng lên 914,6 tỷ đồng và các khoản mục khác biến động không đáng kể.
VNG giảm đầu tư ngắn hạn và tăng đầu tư vào Công ty liên kết trước thềm niêm yết (Nguồn: VNG). |
Như vậy, tiền gửi ngắn hạn thì giảm và đầu tư tài chính dài hạn, tài sản dở dang dài hạn thì tăng lên.
VNG có thuyết minh dự án VNG Data Center đầu năm chỉ ghi nhận 83,7 tỷ đồng nhưng tới 30/9 đã là 770,4 tỷ đồng, tăng 686,7 tỷ đồng (mục tài sản dở dang dài hạn).
Ngoài ra, giá trị đầu tư Công ty liên kết xuất hiện giảm đầu tư Tiki Global từ 510,1 tỷ đồng về 0 tỷ đồng. Ngược lại, lần đầu ghi nhận đầu tư 515,3 tỷ đồng Telio (chiếm 16,7% vốn điều lệ) và 512,5 tỷ đồng Funding (sở hữu 5,11% vốn điều lệ).
Cổ phiếu công nghệ sẽ giảm hơn nữa trong năm 2023
Trong thập kỷ qua từ năm 2008 khi lãi suất thấp, hứa hẹn tăng trưởng là đủ để nhiều cổ phiếu tăng vọt với kỳ vọng lợi nhuận và một mô hình kinh doanh bền vững có thể đến sau. Nhưng với lãi suất tăng, nhà đầu tư sẽ phải chọn lọc hơn, có ý thức về lợi nhuận sẽ là điều bắt buộc trong thập kỷ tới.
Thực tế, trong những năm qua nhiều nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu công nghệ để nắm giữ lâu dài mặc dù nhóm này thường không có lợi nhuận, tăng trưởng âm.
Tuy nhiên, khi lãi suất tăng làm tăng chi phí vay cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Điều đó làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm lợi nhuận doanh nghiệp, gây áp lực lên các công ty thua lỗ và nợ nần chồng chất.
Các cổ phiếu công nghệ định hướng tăng trưởng đã gặp khó khăn trong suốt năm 2022 do lãi suất tăng mạnh làm tăng chi phí vốn. Nhưng theo dự báo của Standard Chartered, công ty công nghệ có thể còn giảm sâu hơn nữa vào năm 2023.
Chỉ số Nasdaq 100 đóng cửa vào ngày 28/12 với mức giảm 34,7% kể từ đầu năm từ 15.644,97 điểm về 10.213,29 điểm. Nguyên nhân chỉ số Nasdaq 100 giảm mạnh trong năm 2022 do lãi suất tăng cao, nhà đầu tư bán mạnh nhóm cổ phiếu công nghệ khi nhà đầu tư hướng các doanh nghiệp tạo ra tiền thực thay vì câu chuyện kỳ vọng trong tương lai không chắc chắn.
Các chuyên gia dự báo: “Lĩnh vực công nghệ nhìn chung sẽ tiếp tục gặp khó khăn vào năm 2023 do áp lực bởi nhu cầu về phần cứng, phần mềm và chất bán dẫn sụt giảm. Hơn nữa, chi phí tài chính tăng cao và thanh khoản bị thu hẹp dẫn đến sự sụt giảm nguồn tài trợ cho các công ty tư nhân, dẫn đến việc cắt giảm định giá đáng kể hơn nữa trong toàn ngành, cũng như làn sóng mất việc làm”.
Nhìn chung, lãi suất tăng chính là thách thức lớn đối với nhóm cổ phiếu Công nghệ nói chung và cổ phiếu VNG nói riêng trong thời gian tới.
Nếu như nhóm cổ phiếu công nghệ trên thế giới tiếp tục bị bán mạnh và không hấp dẫn nhà đầu tư, điều này cũng sẽ tác động nhất định tới cổ phiếu VNG của Việt Nam khi chào sàn, nhóm cổ phiếu công nghệ chỉ thực sự hấp dẫn trở lại khi mặt bằng lãi suất thấp quay trở lại, nền kinh tế toàn cầu vượt qua suy thoái.