Biến tiềm năng thành cơ hội
Từ Trung tâm Hà Nội, du khách chỉ mất khoảng 40 phút chạy xe là về tới thủ phủ xứ Đoài- Đan Phượng. Ấn tượng đầu tiên của du khách khi tới Đan Phượng là hai hàng cây xanh mát đan uốn vào nhau rất đẹp mắt.
Ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa lãnh đạo huyện Đan Phượng và doanh nghiệp lữ hành. |
Và theo ý kiến của bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, việc biến con đường dẫn tới trung tâm huyện thành địa điểm check-in yêu thích của khách du lịch là việc có thể làm được ngay. “Cung đường này đẹp không kém các con đường check- in nổi tiếng tại Seoul, Hàn Quốc”, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nêu.
Đánh giá tiềm năng du lịch Đan Phượng trong bức tranh chung của du lịch Hà Nội, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định, Đan Phượng là vùng ven đô đầy tiềm năng của du lịch Hà Nội.
Nằm trong định hướng phát triển du lịch đồng bộ cả khu trung tâm và ngoại thành, nếu phát huy được tiềm năng, Đan Phượng sẽ là điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách Hà Nội và các vùng lân cận, góp phần làm phong phú cho du lịch Thủ đô trong tương lai.
Một thế mạnh khác mà Đan Phượng đang sở hữu là khu tổ hợp vui chơi, giải trí The Phoenix Garden thuộc thị trấn Phùng. Ý kiến của các doanh nghiệp lữ hành tham gia Toạ đàm liên kết phát triển hợp tác phát triển huyện Đan Phượng do huyện này tổ chức ngày 17/4 đều cho rằng, The Phoenix Garden là thế mạnh mà huyện cần đặc biệt khai thác, truyên truyền để thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.
Tại The Phoenix Garden, khu vực vườn hoa và ruộng bậc thang hoa cải chính là nét đặc trưng của khu sinh thái Đan Phượng Hà Nội. Đây cũng chính là điểm khiến nơi đây được ví như Đà Lạt thu nhỏ.
Bãi cỏ nhân tạo tại The Phoenix Garden là địa điểm lý tưởng để du khách cùng gia đình hay bạn bè cắm trại, thư giãn, thực hiện các hoạt động vui chơi như team building hoặc ăn uống, nghỉ trưa.
Nêu rõ thế mạnh du lịch của Đan Phương, ông Trần Đức Hải, Thành uỷ viên, Bí thư huyện uỷ huyện Đan Phượng cho hay, huyện có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch với truyền thống lịch sử hào hùng; sở hữu gần 200 di tích.
Trong đó, có 71 di tích đã được xếp hạng cấp thành phố và quốc gia, tiêu biểu như: Đền thờ danh nhân Tô Hiến Thành ở Hạ Mỗ, chùa Đôi Hồi ở Song Phượng, chùa Tân Hải ở Trung Châu, chùa Già Lê ở Hồng Hà, chùa Chổi ở Liên Hồng… Đan Phượng cũng có nhiều giá trị di sản văn hoá như nghệ thuật chèo Tàu, ca trù xứ Đoài ở Thượng Mỗ.
Cùng với đó, theo ông Trần Đức Hải, Đan Phượng là huyện có ngành nông nghiệp phát triển với sản phẩm bưởi tôm vàng Đan Phượng trứ danh. Đan Phượng cũng đóng góp 2 trong tổng số 9 vườn lan lớn và đẹp nhất cả nước. Đây cũng là quê hương của đặc sản nem Phùng nổi tiếng.
Tiềm năng là vậy song theo ông Bí thư huyện Đan Phượng, tốc độ phát triển ngành công nghiệp không khói của Đan Phương còn khá khiêm tốn, do vậy lãnh đạo huyện này mong muốn sự đóng góp, hiến kế của các doanh nghiệp lữ hành.
Xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo
Hiến kế để du lịch Đan Phượng tăng tốc, ông Tạ Hữu Chiến, Giám đốc Sunvina Travel đề xuất, với tiềm năng sẵn có về sông nước khi có ba con sông là sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy, Đan Phượng chảy qua, Đan Phượng có thể nghiên cứu để phát triển khu chợ nổi du lịch.
Bí thư huyện uỷ huyện Đan Phượng Trần Đức Hải phát biểu tại Toạ đàm. |
Theo đó, khi đến Đan Phượng du khách có thể tham gia tour chợ nổi trên sông với trải nghiệm kinh doanh, mua bán. Tham gia chợ nổi du khách cũng được lắng nghe nghệ thuật chèo Tàu, ca trù xứ Đoài, thưởng thức đặc sản nem Phùng.
“Tại sao chỉ có miền Tây làm được chợ nổi Cái Răng mà không phải là chợ nổi Đan Phượng. Nếu hình thành và phát triển được đây sẽ là điểm nhấn du lịch đặc biệt, tạo thương hiệu của riêng Đan Phượng”, ông Chiến nêu ý tưởng.
Ý kiến của ông Nguyễn Minh Chung, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Du lịch Hà Nội thì cho hay, để phát huy tiềm năng du lịch Đan Phương, địa phương cần chú trọng phát triển các sản phẩm mang tiêu chuẩn quốc tế, thêm các dịch vụ mới kết hợp với việc phát triển các sản phẩm làng nghề.
“Đan Phượng là điểm nhiều tiềm năng du lịch, nhưng để kết nối các tiềm năng này, huyện Đan Phượng cần có chương trình đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh tổ chức các sự kiện như mùa lúa vàng, thả diều”, ông Nguyễn Minh Chung nói.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài cho rằng, du lịch Đan Phượng cần xây dựng bài bản thành nhiều giai đoạn đầu tư, phát triển.
Với giai đoạn hiện tại, theo ông Tài, Đan Phượng nên xác định đối tượng khách là người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận. Và với nguồn lực hiện tại, huyện Đan Phương nên tập trung phát huy thế mạnh lợi thế ẩm thực, có thể xây dựng chuỗi nhà hàng đặc sản địa phương có chất lượng để thu hút lượng khách gia đình, khách từ nội thành đến trải nghiệm trong ngày.
Bên cạnh đó, địa phương nên có kế hoạch “dài hơi” hơn cho 5 - 10 năm sau, thu hút các doanh nghiệp mạnh đầu tư những cơ sở lưu trú hạng sang, các resort nghỉ dưỡng đẳng cấp để khách lưu trú lâu dài.
"Ngoài ra, với tiềm năng điểm đến có nhiều cảnh quan đẹp, địa phương nên tận dụng truyền thông mạng xã hội để người dân chia sẻ, lan toả điểm đến một cách tự nhiên trên mạng xã hội tới người dân cả nước", ông Tài cho hay.
Bổ sung thêm ý kiến cho phát triển du lịch Đan Phương, Giám đốc Công ty Ánh Dương Tour Nguyễn Anh Tuấn góp ý, Đan Phượng nên tập trung phát triển tour du lịch 1 ngày, phát triển du lịch học đường để học sinh, sinh viên trải nghiệm du lịch nông nghiệp nông thôn.
Còn theo Giám đốc Công ty Pu Travel Hoàng Quốc Việt, việc phát triển công nghệ số vào hoạt động du lịch cần được Đan Phượng tập trung khai thác để tăng hiệu quả cho việc hấp dẫn du khách trong thời đại công nghệ số.
Được biết, hiện nay, huyện Đan Phượng có 2 điểm đến được thành phố công nhận là điểm du lịch cấp thạnh phố, đó là xã Hạ Mỗ và điểm du lịch Khu sinh thái Đan Phượng.
Tối 17/4/2021 huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Đan Phượng tổ chức Lễ đón Quyết định và công bố điểm du lịch đối với hai điểm này nhằm mục đích tuyên truyền, quảng bá điểm du lịch tiềm năng, hấp dẫn của Hà Nội ở khu vực ngoại thành.