Giá điện là yếu tố quyết định mức độ hấp dẫn đầu tư vào ngành điện. |
Giá điện vẫn là điểm nghẽn
Được triển khai từ năm 2017, nhưng 2 năm trở lại đây Dự án Điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4 gần như “giậm chân tại chỗ” trong đàm phán giá điện và Hợp đồng Mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Vướng mắc chủ yếu là cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm từ phía EVN và bao tiêu sản lượng khí hàng năm.
Về vấn đề này, Chính phủ đã có ý kiến: “Đây là thỏa thuận sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, Bộ Công thương nhấn mạnh: “Đơn vị cần báo cáo cấp cao hơn”, còn EVN thì cho biết “không đủ thẩm quyền để quyết định”.
Trong khi đó, cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm và bao tiêu sản lượng khí hàng năm là tiêu chí rất quan trọng và là cơ sở để các tổ chức tài chính xem xét tài trợ tín dụng cho Dự án, cũng như để chủ đầu tư mua được nguồn LNG giá tốt với hợp đồng dài hạn.
Không chỉ có Dự án điện LNG Nhơn Trạch 3&4, tại Dự án điện khí LNG Bạc Liêu của nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài đã được cấp Chứng nhận đầu tư từ đầu năm 2020, nhưng giữa tháng 5/2023 vẫn chưa biết bao giờ kết thúc đàm phán giá điện và PPA. Cạnh đó, nhà đầu tư cũng đề xuất nhiều cơ chế, chính sách cụ thể để triển khai dự án này, dù trước đó đã bày tỏ rằng giá điện của dự án chỉ khoảng 7 UScent/kWh.
Quy hoạch Điện VIII nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất 83 tỷ kWh.
Ở Phụ lục II của Quy hoạch điện VIII cũng đưa ra danh mục cụ thể tên 15 dự án điện khí LNG, trong đó có 11 dự án được ghi chú “Đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh” - nghĩa là không cần phải chờ tới khi Quy hoạch Điện VIII được ban hành vào ngày 15/5 vừa qua thì các dự án này mới biết mình là ai, làm ở đâu.
Nhưng thực tế triển khai của Dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 cùng LNG Bạc Liêu nói trên cũng cho thấy, không phải cứ nằm trong Quy hoạch điện được ban hành là sẽ thông đồng, bén giọt, triển khai tới đích được nhanh như mong đợi.
Tại Hội thảo Quy hoạch Điện VIII - Những vấn đề đặt ra và giải pháp do Đoàn Giám sát của Quốc hội phối hợp với Bộ Công thương tổ chức đúng ngày Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt, các đại biểu đều có mối quan tâm lớn với việc hiện thực hóa quy hoạch.
Theo PGS-TS. Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, giá điện là yếu tố quyết định mức độ hấp dẫn đầu tư vào ngành điện.
Trong chuỗi giá trị của ngành điện, gồm sản xuất - truyền tải - phân phối, khu vực tư nhân chủ yếu tham gia khâu sản xuất điện (chiếm khoảng 70% chi phí cung cấp điện). Lợi nhuận của sản xuất điện được quyết định bởi 2 yếu tố là giá điện và sản lượng điện thông qua thời gian vận hành công suất cực đại.
Nhìn vào trường hợp cụ thể của Dự án Điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4, có thể thấy, chủ đầu tư đề xuất tổng sản lượng điện mua hàng năm là khoảng 90% sản lượng điện năng phát bình quân nhiều năm của 2 nhà máy. Thời gian áp dụng là 15 năm kể từ khi nhà máy vận hành thương mại. Tuy nhiên, Thông tư số 24/2019/TT-BCT quy định, sản lượng điện mua hàng năm thấp nhất là 60%, còn cao hơn thì do đàm phán.
Với thực tế nguồn LNG phụ thuộc nhập khẩu là chính, giá LNG có thể vọt lên hơn 30 USD/triệu BTU như năm 2022 và dù đang xuống cũng như được dự báo sẽ ở mức 12-13 USD/triệu BTU trong lâu dài thì giá điện sản xuất từ khí LNG vẫn thách thức bên mua điện.
Tính toán của đề án Quy hoạch Điện VIII trước đó cho thấy, giá LNG (quy về năm 2020, không tính trượt giá) đến Việt Nam được dự báo là 10,6 USD/MMBTU giai đoạn 2021-2045 và giá đến nhà máy điện trung bình là 11,8 USD/MMBTU. Với mức này, giá điện sản xuất ra vào khoảng 9,2 UScent/kWh - cao hơn khoảng 1,1 UScent/kWh so với chi phí sản xuất điện bình quân của hệ thống hiện nay.
Trước thực tế năm 2022, EVN được các cơ quan chức năng xác nhận lỗ hơn 26.000 tỷ đồng, chưa kể 15.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá của các nhà máy điệntrong giai đoạn 2019-2022 vẫn đang phải treo lên chưa có nguồn trả. Rồi năm 2023, dù được tăng 3% giá bán lẻ điện bình quân từ tháng 5, nhưng tính ra EVN vẫn lỗ không kém gì năm 2022.
Thực tế càng mua điện để cấp cho nền kinh tế càng lỗ chắc chắn sẽ khiến bên mua điện khó lòng mà đàm phán xong được giá điện theo như các nhà đầu tư mong muốn. Nghĩa là có dự án được ghi trong Quy hoạch, thậm chí rõ ràng chủ đầu tư nhưng không chắc nhà máy điện đã được xây và sau đó đã được vận hành để phát điện.
Nhà đầu tư chờ cơ chế
Trong quá khứ tới nay, không có nguồn điện nào là không cần cơ chế riêng để triển khai thực hiện.
Đơn cử, Quyết định 1195/QĐ-TTg năm 2005 Quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng giai đoạn 2006 - 2010 và giai đoạn sau năm 2010. Hay Quyết định 2414/QĐ-TTg năm 2013 Quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu điện giai đoạn 2014 - 2020 và giai đoạn sau năm 2020.
Quá trình triển khai Dự án Thuỷ điện Sơn La cũng đã có nhiều quyết định của Thủ tướng Chính phủ gồm số 207/2004/QĐ-TTg; số 11/2007/QĐ-TTg; số 136/2008/QĐ-TTg rồi số 2107/2010/QĐ-TTg được ban hành nhằm tạo ra Cơ chế quản lý và thực hiện Dự án Thủy điện Sơn La.
Cùng với đó là việc thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước do một Phó thủ tướng đứng đầu và Phái viên của Thủ tướng Chính phủ là người hiểu việc, được trao xử lý nhiều việc ngay tại thực địa. Nhờ vậy Thuỷ điện Sơn La đã về đích sớm 3 năm, làm lợi rất nhiều cho nền kinh tế khi công suất nhà máy lên tới 2.400 MW, chưa kể tác dụng cấp nước mùa khô cho hạ du.
Tại Thuỷ điện Lai Châu cũng có Quyết định 188/2011/QĐ-TTg cơ chế quản lý và thực hiện Dự án thủy điện Lai Châu. Ban chỉ đạo Nhà nước công trình này cũng không quản ngại vất vả, khó khăn giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho chủ đầu tư cùng các đơn vị thi công. Kết quả đã không phụ lòng, Thuỷ điện Lai Châu về đích sớm 1 năm và lợi ích kinh tế thu được khi đưa nhà máy vào vận hành sớm 1 năm là tạo ra doanh thu hơn 5.000 tỷ đồng, tiết kiệm hơn 2 triệu tấn than để sản xuất ra lượng điện năng tương đương.
Hàng loạt các dự án thuỷ điện được khởi công xây dựng giai đoạn 2003-2004 và sau đó được đẩy nhanh cũng là nhờ có các Quyết định 797/CP-CN, ngày 17/6/ 2003 và 400/CP-CN ngày 26/3/2004.Các quyết định này cũng được xem là bước đột phá mới về cơ chế quản lý trong việc triển khai xây dựng các nhà máy thủy điện. Những cơ chế rất quản lý linh hoạt được xuất phát từ nhu cầu thực tế về đảm bảo tiến độ, chất lượng, nâng cao ý thức, trách nhiệm cá nhân và của các bộ, các cấp, các ngành và các địa phương đối với các dự án xây đựng nhà máy thủy điện.
Ngay các dự án điện gió, điện mặt trời được đầu tư ồ ạt thời gian qua cũng là bởi có các cơ chế riêng với mức giá hấp dẫn, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân của EVN được Nhà nước quy định.
Bởi vậy, ngay sau khi Quy hoạch VIII được ban hành, điều mà các nhà đầu tư ngóng chờ hiện nay chính là cơ chế cụ thể để các dự án có thể tiến tới bước vận hành, thu tiền mà có lãi thật.