Mùa mưa bão năm nay đến sớm hơn so với mọi năm. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sau cơn bão số 5, mưa bão sẽ diễn biến ra sao?
Đúng là mùa mưa năm nay đến sớm, tại miền Bắc, mùa mưa đã bắt đầu từ tháng 5, còn tại Trung Bộ, tháng 8 này sẽ bắt đầu mùa mưa.
| ||
Tình trạng ngập lụt ngày càng nghiêm trọng tại các độ thị lớn như Hà Nội, TP.HCM |
Đặc biệt, giữa tháng 8, Trung Bộ sẽ mưa nhiều, hiện tượng hạn hán được cải thiện. Tổng lượng mưa trong các tháng từ nay đến tháng 11/2013 tại khu vực Trung Bộ sẽ cao hơn mức trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Năm nay, dự báo sẽ có khoảng 13 cơn bão xuất hiện trên biển Đông, trong đó có 5-6 cơn bão ảnh hưởng tới đất liền, bằng mức trung bình các năm, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa dự báo được về cường độ và khu vực ảnh hưởng cụ thể của các cơn bão.
Ngoài bão, những hiện tượng thời tiết cực đoan có diễn biến phức tạp hơn không, thưa ông?
Những hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu. Theo đó, thời tiết khi nóng thì rất nóng, khi lạnh lại rất lạnh, lũ quét có thể xảy ra rất tàn bạo, nặng nề. Do đó, các địa phương cần chuẩn bị đối phó với những hiện tượng này. Cụ thể, các tỉnh miền núi, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc, do yếu tố địa hình nên thường xảy ra giông tố, lốc mạnh, lũ quét, sạt lở đất. Các tỉnh miền Trung, do bờ biển dài, địa hình dốc và khổ đất hẹp, nên phải đặc biệt lưu ý công tác phòng chống bão, lũ quét và sạt lở đất.
Theo ông, làm thế nào để nâng cao hiệu quả dự báo thời tiết, nhất là những hiện tượng thời tiết cực đoan?
Việc dự báo hiện tượng thời tiết cực đoan rất khó, ngay cả những nước tiên tiến trên thế giới, bởi biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Để kịp thời dự báo khí hậu trong bối cảnh hiện tại, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương phải liên tục cập nhật số liệu, theo dõi diễn biến thời tiết cực đoan, để thông báo sớm với các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, công tác dự báo thời tiết bị giới hạn rất nhiều do khó khăn về thiết bị. Ví dụ, ra-đa thời tiết của nước ta có 7 chiếc thì chỉ có 2 chiếc mới được đầu tư, còn lại đều là ra đa của Nga, được mua từ những năm 1980. Chương trình Hiện đại hóa khí tượng thủy văn giai đoạn 2010- 2020 hiện cũng chỉ mới được khởi động. Hiện số trạm quan trắc của Việt Nam chỉ bằng 1/3-1/4 so với Hàn Quốc, Nhật Bản. Tại các nước này, trung bình cứ 15 km lại có một trạm đo khí tượng tự động gửi số liệu về, trong khi ở nước ta, đa số vẫn là đo bằng thủ công. Chúng tôi rất mong được đầu tư đồng bộ hơn nữa về trang thiết bị hiện đại, để nâng cao hiệu quả công tác dự báo thời tiết, nhằm giảm thiểu những hậu quả do thời tiết cực đoan gây ra.
Việt Nam đã đưa vào sử dụng vệ tinh Vinasat1 và Vinasat2, điều này có giúp ích gì cho công tác dự báo không?
Vinasat 1 và Vinasat 2 là vệ tinh viễn thông, chứ không phải là vệ tinh khí tượng, nên chưa giúp ích gì cho công tác dự báo thời tiết. Hiện tại, Việt Nam chưa có vệ tinh khí tượng và vẫn đang dùng nhờ của các thành viên Tổ chức Khí tượng thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…
Thuỳ Liên