Doanh nghiệp
Hiệp định CPTPP tạo thay đổi lớn với ngành da giày
Thế Hoàng - 27/10/2022 17:12
Trước khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, xuất khảu da giày sang thị trường khối này chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng nhờ có CPTPP giờ đã tăng lên 14%, tạo ra nhiều thay đổi tích cực.
Thực thi Hiệp định CPTPP ngoài việc gia tăng xuất khẩu đã tạo ra được thay đổi lớn với ngành da giày.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) nhấn mạnh tại Tọa đàm: Tận dụng “đòn bẩy” CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ sáng 27/10.

Lũy kế hết tháng 9, xuất khẩu giày dép, túi xách mang về 21,3 tỷ USD, trong đó giày dép đạt 18,2 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ, túi xách, vali, ô dù đạt 3,13 tỷ USD, tăng 40,2%.

Đáng ghi nhận là xuất khẩu giày dép các loại sang một số thị trường trong khối CPTPP tăng ấn tượng. Cụ thể, sang Canada đạt 407.2 triệu USD (tăng khoảng 52% so với cùng kỳ 2021), vượt xa kết quả thực hiện 678 triệu USD của năm 2021.

Xuất khẩu sang Mexico cũng tăng gần bằng mức 315,03 triệu USD của cả năm ngoái.

Ngành da giày hội nhập từ rất sớm, hầu như là các hiệp định thương mại tự do đều được ngành xuất khẩu này tận dụng được cơ hội. Khoảng 95% trong tổng lượng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành vào các thị trường đã ký kết FTA đều tận dụng được ưu đãi thuế quan.

Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu 2021, mặt hàng giày dép có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi theo FTA khá cao 95,92% với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA với Việt Nam năm 2021 là 9,25 tỷ USD.

Tuy nhiên, bà Xuân cho hay, với việc thực thi hiệp định CPTPP đã tạo ra được những thay đổi rất  lớn đối với ngành da giày. 

Đầu tiên, theo bà Xuân là cú hích tăng trưởng xuất khẩu. Trước đây, khối doanh nghiệp ở các nước trong khối CPTPP, mức kim ngạch chỉ chiếm dưới 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thì nay đã chiếm hơn 14%, điều đó cũng cho thấy mức độ tận dụng cơ hội thị trường CPTPP để tăng tốc xuất khẩu.

Thứ hai, khi tham gia hiệp định CPTPP yêu cầu về quy định đáp ứng quy tắc xuất xứ.  Điều này là động lực thúc đẩy phát triển các nguồn nguyên phụ liệu trong nước, chuỗi sản xuất.  Đặc biệt, chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu đã đầu tư nhiều hơn tại Việt Nam trong vòng 5 đến 10 năm qua, từ đó tạo đà để khi thực thi Hiệp định, tỷ lệ hàng xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi rất cao.

Thứ ba, quá trình đầu tư, chuyển đổi để đáp ứng các yêu cầu của CPTPP đã giúp năng lực nội tại của các doanh nghiệp cũng đã được nâng lên rất nhiều.

Bà Xuân nêu rõ, điều này thể hiện qua hoạt động về thủ tục xuất nhập khẩu, đáp ứng tiêu chí của thị trường, yêu cầu của thị trường xuất khẩu, đã giúp doanh nghiệp nâng mình lên, không ngừng đầu tư phát triển đúng trọng tâm trong giai đoạn vừa qua.

Khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu trong ngành da giày, túi xách hiện đang do các doanh nghiệp FDI nắm giữ. Với mức độ hội nhập sớm, tham gia thương mại quốc tế nhiều năm, các doanh nghiệp FDI hoặc là các doanh nghiệp lớn, đã từng xuất khẩu thành công hầu như không gặp gì nhiều về mặt trở ngại, gia tăng thêm hoạt động xuất nhập khẩu vào các cái thị trường trong khối CPTPP.

Nhưng, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đã tăng cường năng lực kết nối tham gia cái mạng lưới để tiếp nhận các thông tin, xúc tiến thương mại ở thị trường nước ngoài.

"Như vậy, trước đây, hoạt động của các doanh nghiệp họ chủ động làm đơn lẻ, thì nay họ đã liên kết rất là mạnh mẽ trong  xúc tiến xuất khẩu, gia tăng kết nối để tạo thành mạng lưới, cùng hỗ trợ lẫn nhau. Doanh nghiệp cũng đã đầu tư, đặc biệt về chuyển đổi số nhằm đáp ứng năng lực nội tại. Bên cạnh đó, đảm bảo sự minh bạch trong chuỗi cung ứng toàn cầu để xuất khẩu được thành công", bà Xuân nói.

Cuối cùng, doanh nghiệp đã chú trọng rất nhiều vào đầu tư chất lượng nguồn nhân lực, không những là đối với lực lượng lao động trực tiếp mà đối với cả hệ thống quản lý cấp trung. Doanh nghiệp cũng đã chú trọng nâng cao ứng dụng hệ thống quản lý mới, tiếp cận và lấy các cái chứng nhận quốc tế, đảm bảo điều kiện xuất khẩu được thành công.

Năm 2021 tổng kim ngạch xuất khẩu da giầy đạt 20,78 tỷ USD (tăng 4,6% so với năm 2020). Trong đó xuất khẩu giày dép đạt 17,77 tỷ USD (tăng 6,1%); xuất khẩu valy, túi, cặp đạt gần 3,01 tỷ USD (giảm 3,2%) so với năm 2020. Đây là mức tăng thấp của ngành dưới tác động không mong muốn của đại dịch.

Nhưng hoạt động xuất khẩu đã bật tăng mạnh mẽ trở lại từ đầu năm 2022. Số liệu của Tổng cục Thống kê, riêng trong tháng 9, doanh thu xuất khẩu của 2 mặt hàng này đạt 2,15 tỷ USD, trong đó giày dép đạt 1,8 tỷ USD, túi xách 350 triệu USD. 

Với kết quả thực hiện sau 9 tháng 2022, toàn ngành da giày, túi xách có khả năng vượt mốc kim 25 tỷ USD vào cuối năm nay.

Tin liên quan
Tin khác