Một chuyến bay chở khách hiếm hoi của Vietnam Airlines thực hiện trong quý 3/2021 để đưa người dân từ Tp.HCM về quê |
Văn phòng Chính phủ vừa có phiếu chuyển số 1879/CP - VPCP gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, GTVT, Y tế; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp ngành hàng không của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam để xem xét, xử ý theo thẩm quyền và quy định pháp luật.
Được biết, trong văn bản số 98/TTr – VBA gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 9/2021, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam kiến nghị Thủ tướng sớm có yêu cầu cụ thể đối với việc khôi phục lại các đường bay quốc tế và quốc nội trên cơ sở đánh giá các nguy cơ bảo đảm công tác phòng chống dịch (công nhận việc tiêm vaccine giữa các quốc gia có đường bay đến Việt Nam, giảm hoặc miễn thời gian cách ly đối với hành khách khách đã được tiêm vắc-xin, xét nghiệm, tạo điều kiện cho việc xét nghiệm tại các sân bay, thống nhất giá trị hiệu lực của kết quả xét nghiệm); cho phép các địa phương được xây dựng và chủ động áp dụng vùng, hành lang du lịch an toàn đối với khách du lịch quốc tế.
Đặc biệt, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam muốn người đứng đầu Chính phủ xem xét chính sách cho các hãng hàng không khác vay lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines (gói 4.000 tỷ vay tối đa 3 năm) nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng theo luật định và giúp hãng hàng không giải quyết thanh khoản. Giá trị khoản vay cụ thể căn cứ nhu cầu của từng hãng, vào quy mô, thị phần, đóng góp cho ngân sách trong thời gian qua và khả năng đáp ứng của ngân sách.
Đại diện cho các doanh nghiệp hàng không kiến nghị Thủ tướng cho phép tiến hành các thủ tục đối với gói vay 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không như đề xuất từ tháng 11/2020 của Hiệp hội này nhằm giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án, bảo trì và duy trì hoạt động trong thời gian chưa đạt miễn dịch cộng đồng.
Liên quan đến chính sách thuế, phí, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam muốn Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục để giảm 70% thuế bảo vệ môi trường cho các hãng hàng không.
Ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho rằng, mức giảm thuế bảo vệ môi trường 30% như hiện nay không đáng kể và chưa phát huy tác dụng do hầu hết các chuyến bay chở khách trong nước và quốc tế đã bị ngưng.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị cho phép áp dụng mức giảm 70% thuế từ 3.000 đồng/lít Jet A1 xuống còn gần 1.000 đồng/lít cho các hãng hàng không từ nay đến đến 30/6/2022.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị xem xét giảm từ 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hãng hàng không - trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm năm 2012, giảm từ 50% thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, giảm thời gian nộp Bảo hiểm xã hội đến hết năm 2022 để hỗ trợ cho người lao động, giảm từ 50% thuế nhập khẩu phụ tùng sửa chữa máy bay.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ ba và thứ tư rơi vào mùa bay cao điểm Tết cổ truyền và mùa du lịch Hè 2021 đã khiến doanh thu của các hãng hàng không giảm trên 90% so với cùng kỳ.
Từ đầu tháng 5/2021 đến nay, gần 100% chuyến bay chở khách trong nước và quốc tế đã bị đóng băng. Doanh thu năm 2020 của các hãng hàng không Việt Nam giảm trên 60%, dự ước năm nay tiếp tục giảm so với năm 2020 và năm nay lỗ sẽ lớn hơn khoản lỗ 16.000 tỷ đồng năm 2020. Số tiền nộp ngân sách năm 2020 sẽ bị giảm khoảng 10.000 tỷ đồng.
Trong khi đó mỗi tháng các hãng vẫn phải chi trên 100 tỷ đồng để trả tiền thuê máy bay, trả vay ngân hàng, trả cho đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, duy tu bảo dưỡng và trả lương cho nhân viên.
“Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có hàng không. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch thứ tự cùng với diễn biến khó lường khiến mục tiêu kép của Chính phủ khó đạt được kết quả như mong muốn”, ông Phạm Việt Dũng đánh giá.