Đầu tư
Hiệu chỉnh kịch bản đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc
Anh minh - 15/01/2025 09:36
Rất nhiều khuyến nghị quan trọng đã được Hội đồng Thẩm định liên ngành đưa ra đối với Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Xây dựng đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Làm rõ mức giá vé

Sau hơn 1 năm thẩm định, Hội đồng Thẩm định liên ngành vừa có Báo cáo số 219/BC-HĐTĐLN gửi UBND tỉnh Lâm Đồng kết quả thẩm định Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án Xây dựng đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc). Đây là một trong 3 dự án xây dựng tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương kết nối Đông Nam bộ và Tây Nguyên được triển khai theo phương thức PPP.

Khuyến nghị đầu tiên được Hội đồng Thẩm định liên ngành đưa ra liên quan đến phần vốn nhà nước tham gia Dự án.

Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có nội dung đề cập việc nghiên cứu bổ sung phương án tăng vốn ngân sách nhà nước lên tối đa 50% tổng mức đầu tư theo quy định tại Điều 69, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để giảm thời gian hoàn vốn, tăng tính khả thi về tài chính, khả năng huy động vốn và thu hút nhà đầu tư quan tâm Dự án.

Cụ thể, vốn nhà nước tham gia Dự án khoảng 8.900 tỷ đồng, tăng 2.400 tỷ đồng so với chủ trương đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, trong hồ sơ Dự án gửi Hội đồng Thẩm định liên ngành, UBND tỉnh Lâm Đồng lại không có giải trình, thuyết minh, đề xuất cụ thế đối với phương án này.

Trong quá trình giải trình, hoàn thiện hồ sơ Dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có các văn bản báo cáo lãnh đạo Chính phủ và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định liên ngành) khẳng định, Dự án tiếp tục triển khai thực hiện theo chủ trương đầu tư được duyệt, không đề xuất tăng vốn ngân sách nhà nước tham gia Dự án (sẽ dẫn tới phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án).

“Do vậy, Hội đồng Thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát, thuyết minh thống nhất trong Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án”, Báo cáo số 219 nêu rõ.

Theo Báo cáo Nghiên cứu khả thi, nguồn thu hoàn vốn của Dự án là nguồn thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ được xác định dựa trên lưu lượng trên tuyến cao tốc và giá vé thu phí. Dự án dự kiến áp dụng mức giá vé cho các xe nhóm 1 là 2.000 đồng/xe/km; áp dụng cho các phương tiện nhóm 2, 3, 4, 5 lần lượt là 2.600 đồng/xe/km, 3.400 đồng/xe/km, 5.400 đồng/xe/km, 7.600 đồng/xe/km.

Hội đồng Thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát mức giá đề xuất và lộ trình điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ của Dự án đảm bảo căn cứ, nguyên tắc, phương pháp định giá, điều chỉnh giá theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Giá (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) và pháp luật liên quan.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng được đề nghị bổ sung căn cứ pháp lý và thực tiễn đề xuất mức giá vé khởi điểm 2.000 đồng/xe tiêu chuẩn/km; căn cứ đề xuất lộ trình tăng giá; sự tương đồng của Dự án với các dự án được so sánh để đề xuất mức giá, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sử dụng đường bộ (bao gồm mức giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc tại các đoạn tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Bảo Lộc - Liên Khương thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương).

Sức hấp dẫn chưa cao

Cũng như nhiều dự án đầu tư đường cao tốc đã và đang triển khai theo phương thức PPP, thời gian hoàn vốn cùng khả năng huy động vốn tín dụng chính là những điểm cấn cá trong Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.

Theo Báo cáo Nghiên cứu khả thi, thời gian hoàn vốn của Dự án là 24 năm 1 tháng; thời gian hợp đồng kể từ ngày ký kết hợp đồng (bao gồm thời gian xây dựng cơ bản) đến thời điểm kết thúc hoàn vốn Dự án.

Hội đồng Thẩm định liên ngành đánh giá, thời gian hoàn vốn của Dự án như trên là khá dài, có thể dẫn tới khó khăn trong huy động vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng, do nguồn vốn của các tổ chức tín dụng chủ yếu là nguồn ngắn hạn, khó có khả năng cân đối nguồn vốn để cho vay với thời hạn quá dài (hầu hết dự án đang cấp tín dụng có thời hạn dưới 20 năm).

Liên quan nội dung này, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, Dự án có nhu cầu vốn vay lớn (khoảng 9.706 tỷ đồng, chiếm 85% nguồn vốn nhà đầu tư thu xếp).

Bên cạnh đó, thời gian hoàn vốn của Dự án dài và tăng lên so với chủ trương đầu tư được phê duyệt (từ 22 năm 6 tháng, lên 24 năm 1 tháng); trong 15 năm đầu khai thác, Dự án không có khả năng trả nợ.

“Như vậy, chưa có cơ sở khẳng định tính khả thi trong việc huy động vốn tín dụng của Dự án. UBND tỉnh Lâm Đồng cần nghiên cứu, có phương án đa dạng các nguồn vốn huy động để đầu tư Dự án, giảm sự phụ thuộc vào một nguồn vốn cụ thể; tránh tình trạng Dự án được phê duyệt đầu tư, nhưng không huy động được đủ vốn đầu tư, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện”, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá.

Được biết, sức hấp dẫn tại Dự án cũng không quá lớn, khi trong quá trình khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư được UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện từ ngày 20/7/2023 đến ngày 20/8/2023, chỉ có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ quan tâm và đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm.

“Đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng lưu ý và rà soát kỹ các yếu tố trong phương án tài chính, bảo đảm tính khả thi việc huy động vốn vay trong quá trình thực hiện lựa chọn nhà đầu tư, cũng như yêu cầu cụ thể các nội dung liên quan đến vận hành, khai thác, bảo trì công trình, bảo đảm chất lượng công trình khi bàn giao cho Nhà nước”, Hội đồng Thẩm định liên ngành khuyến nghị.

Tin liên quan
Tin khác