Hướng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình |
Đúng lúc, đúng nhu cầu
Sau gần 4 tháng đánh giá một cách thận trọng và bài bản, Hội đồng Thẩm định liên ngành vừa có Báo cáo số 8786/BC-HĐTĐLN gửi UBND tỉnh Thái Bình về kết quả thẩm định Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Đây là một trong những phân đoạn thuộc tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08) do UBND tỉnh Thái Bình đóng vai trò là cơ quan có thẩm quyền; nhà đầu tư đề xuất là Tập đoàn Geleximco.
Tại Báo cáo số 8786, Hội đồng Thẩm định liên ngành cho biết, có 13/13 thành viên Hội đồng đồng ý thông qua Báo cáo Thẩm định. Trong đó, 8/13 thành viên đồng ý thông qua, không có ý kiến khác; 5/13 thành viên đồng ý thông qua, kèm theo ý kiến góp ý đối với Dự thảo Báo cáo Thẩm định.
“Căn cứ Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án đủ điều kiện thông qua”, Hội đồng Thẩm định liên ngành cho biết.
Trước đó, vào tháng 4/2024, UBND tỉnh Thái Bình đã có Tờ trình số 39/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án PPP Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình.
Theo đề xuất, Dự án PPP Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình có chiều dài 60,9 km (qua địa phận tỉnh Nam Định dài 27,6 km, qua địa phận tỉnh Thái Bình dài 33,3 km). Tuyến đường thuộc Dự án được xây dựng theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc 120 km/h, bề rộng nền đường là 24,75 m.
Dự án được kỳ vọng là một trong những động lực tăng trưởng mới của Đồng bằng sông Hồng này có tổng mức đầu tư là 19.784,55 tỷ đồng (bao gồm cả lãi vay), trong đó khoản chi lớn nhất là chi phí xây dựng và thiết bị (14.007,2 tỷ đồng).
Tại Báo cáo Nghiên cứu khả thi, UBND tỉnh Thái Bình đề xuất vốn ngân sách tham gia Dự án là 9.337 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp là 10.447,55 tỷ đồng, lần lượt chiếm 47,19% và 52,81% tổng mức đầu tư.
Với mức phí khởi điểm tại thời điểm đưa vào kinh doanh khai thác (năm 2027) là 2.100 đồng/km/xe nhóm 1, tốc độ tăng trưởng giá vé là 12%/3 năm, lãi vay ngân hàng 9,33%, tỷ suất lợi nhuận cho nhà đầu tư là 10,78%, UBND tỉnh Thái Bình ước tính, thời gian thu phí hoàn vốn Dự án là 25 năm 5 tháng.
Tại Báo cáo số 8786, Hội đồng Thẩm định liên ngành đánh giá, việc triển khai Dự án PPP Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình trong giai đoạn này là “đúng thời điểm, đúng nhu cầu”.
Theo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), tại Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc CT.08 có chiều dài 109 km, quy mô 4 làn xe, có lộ trình đầu tư trước năm 2030. Hiện nay, khoảng 30 km cao tốc này qua địa phận TP. Hải Phòng và Thái Bình đang được đầu tư xây dựng.
Vì vậy, việc đầu tư và hoàn thành Dự án PPP Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình vào năm 2027 sẽ đóng mạch toàn tuyến cao tốc CT.08, tạo động lực và mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương ven biển Đồng bằng sông Hồng, gồm Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và Hải Phòng, đặc biệt là phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
“Bên cạnh đó, tuyến cao tốc CT.08 với các phân đoạn Ninh Bình - Nam Định, Nam Định - Thái Bình, Thái Bình - Hải Phòng sẽ kết nối với tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hình thành trục tam giác phát triển xương sống của khu vực Đồng bằng sông Hồng”, ông Bùi Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết.
Quan ngại khó vay tín dụng
Được biết, trong số 5 thành viên Hội đồng Thẩm định đồng ý thông qua, kèm theo ý kiến góp ý đối với Dự thảo Báo cáo Thẩm định có đại diện Ngân hàng Nhà nước với những phân vân liên quan nguồn vốn và khả năng huy động vốn.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, tại hồ sơ Dự án, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được đề cập trong Báo cáo Nghiên cứu khả thi là 1.567 tỷ đồng, chiếm 15% tổng vốn nhà đầu tư, nhưng so với tổng mức đầu tư, tỷ lệ vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 7,92%.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước đánh giá, tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia Dự án PPP Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình ở mức rất thấp, cần xem xét tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, thành viên Hội đồng Thẩm định liên ngành còn lưu ý UBND tỉnh Thái Bình đánh giá kỹ khả năng đấu thầu, lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực để triển khai Dự án.
Một điểm cấn cá khác được Ngân hàng Nhà nước đặt ra với cơ quan có thẩm quyền là Dự án có nhu cầu vốn vay lớn, khoảng 8.880 tỷ đồng, chiếm 85% nguồn vốn nhà đầu tư. Điều này cho thấy, sự thành bại của Dự án PPP Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm, chấp thuận của các tổ chức tín dụng.
Trong khi đó, mức độ rủi ro tại Dự án ở mức cao (trường hợp lợi nhuận giảm 10% hoặc tổng mức đầu tư tăng 10%, công trình không có khả năng hoàn vốn); có tới 15 năm đầu khai thác không có khả năng trả nợ gốc... Những yếu tố này, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, sẽ khiến Dự án PPP Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình khó có khả năng thu hút vốn tín dụng.
“UBND tỉnh Thái Bình cần làm rõ khả năng huy động vốn, nghiên cứu đa dạng nguồn vốn huy động để đầu tư, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn của các tổ chức tín dụng”, đại diện Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị.
Cần phải nói thêm, Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án đề cập 9 dự án đường bộ trên địa bàn, trong đó có 3 dự án BOT đang có dư nợ tại các tổ chức tín dụng là Dự án Tuyến đường bộ ven biển Thái Bình; Dự án Cải tạo, nâng cấp đường 39B đoạn tránh thị trấn Thanh Nê (huyện Kiến Xương) và Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường từ TP. Thái Bình đi cầu Nghìn.
Khi Dự án PPP Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình đi vào khai thác chắc chắn sẽ phân lưu lưu lượng xe và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng của 3 công trình này.
Vì vậy, Hội đồng Thẩm định liên ngành lưu ý, UBND tỉnh Thái Bình cần rà soát, đánh giá kỹ tác động của Dự án, lấy ý kiến các bên liên quan để xây dựng phương án đầu tư phù hợp, tránh để xảy ra các xung đột lợi ích, khiếu kiện, mất an ninh trật tự; đồng thời có phương án xử lý cụ thể đối với phương án tài chính của các dự án BOT đã triển khai, đảm bảo khả năng trả nợ cho các tổ chức tín dụng.
Tại Báo cáo số 8786, Hội đồng Thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Thái Bình làm rõ khả năng cung ứng vật liệu thi công cho Dự án của địa phương.
Theo hồ sơ Báo cáo Nghiên cứu khả thi, nhu cầu vật liệu của Dự án rất lớn, trong đó, khối lượng đất đắp cần khoảng 1,9 triệu m3, cát đắp cần tới hơn 13 triệu m3, cấp phối đá dăm khoảng 0,79 triệu m3.
Đối với vật liệu cát đắp nền phục vụ Dự án, trên địa bàn tỉnh Nam Định cần tới 6,4 triệu m3 (địa phương này đã đề xuất sử dụng nguồn cát biển); trên địa bàn tỉnh Thái Bình, nhu cầu cần khoảng 6,85 triệu m3 (UBND tỉnh Thái Bình đã có văn bản cho phép nhà đầu tư đề xuất dự án khai thác, thăm dò các mỏ cát sông với tổng trữ lượng khoảng 5 triệu m3, còn thiếu khoảng 1,85 triệu m3 so với nhu cầu).
Điều đáng nói là, nhà đầu tư đề xuất Dự án vẫn chưa xác định cụ thể chất lượng, trữ lượng (cát sông và cát biển) phục vụ thi công trên địa bàn 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình.
Đối với đất đắp và đá, do trên địa bàn 2 tỉnh không có mỏ, nên hồ sơ trình kiến nghị tận dụng đất đào của dự án để đắp nền và mua thêm tại các mỏ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Ninh Bình; đá mua ở các mỏ tại tỉnh Ninh Bình và Hà Nam.
Theo Bộ GTVT, thực tiễn triển khai các dự án đường cao tốc thời gian vừa qua cho thấy, nguồn cung cấp vật liệu là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây chậm tiến độ hoàn thành, chậm giải ngân vốn đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư các dự án đường cao tốc.
Trong khi đó, công tác điều tra, khảo sát mỏ cung cấp vật liệu, bãi đổ thải vật liệu thừa trong quá trình thi công chưa sát với thực tế; UBND cấp tỉnh chưa xem xét và có ý kiến về hồ sơ mỏ vật liệu, bãi đổ thải..., dẫn đến quá trình thi công phát sinh tình trạng thiếu vật liệu, công tác cấp phép khai thác mỏ, gia hạn khai thác mỏ, nâng trữ lượng mỏ... còn kéo dài, gây chậm tiến độ.
“UBND tỉnh Thái Bình cần phối hợp với UBND tỉnh Nam Định và các địa phương lân cận xác định đủ nguồn vật liệu, đặc biệt là cát đắp; đồng thời chủ động rà soát, triển khai các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ”, Hội đồng Thẩm định liên ngành đề xuất.
Dự án có điểm đầu (Km19+300) tại đầu cầu vượt sông Đáy thuộc địa phận xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; điểm cuối (Km80+200) tại nút giao giữa Quốc lộ 37 mới và đường ven biển thuộc địa phận xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Bên mời thầu: UBND tỉnh Thái Bình;
Hình thức lựa chọn nhà đầu tư: Đấu thầu rộng rãi.