Ông Ngô Minh Kiểm, Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (Kiểm toán Nhà nước). |
Cổ phần hóa (CPH) giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt được 28% kế hoạch (37/128 doanh nghiệp). Ông có thể chỉ ra nguyên nhân?
Qua việc kiểm toán doanh nghiệp CPH, chúng tôi đã chỉ ra rất nhiều điểm trong khung pháp lý CPH và hậu CPH còn không ít bất cập, hạn chế. Ngay cả chính sách thu hút cổ đông chiến lược cũng bất cập.
Nguyên nhân là Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối tại nhiều doanh nghiệp khiến nhà đầu tư chiến lược không mặn mà, vì họ e ngại sau khi đã trở thành công ty cổ phần, họ chỉ là cổ đông thiểu số nên không có tiếng nói quyết định trong các vấn đề lớn của doanh nghiệp. Điều này cũng dễ hiểu vì không ai bỏ tiền ra khi không có quyền quyết định đồng vốn của mình.
Chưa kể, nhiều trường hợp khi CPH, không biết căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật nào, Ban chỉ đạo CPH lại quyết định không bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài và sau đó cũng cấm chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Quy định này khiến khả năng tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược bị thu hẹp.
Không tìm được nhà đầu tư chiến lược thì sau chuyển thành công ty cổ phần, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp được cải thiện không đáng kể vì mặc dù đã được “khoác áo mới”, nhưng việc quản trị, điều hành, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh không có nhiều thay đổi, vẫn theo tư duy cũ, nặng tính bao cấp, hành chính.
Đánh giá về kết quả CPH, theo tôi không nên quá nặng nề về số lượng doanh nghiệp, số vốn nhà nước bán được, mà quan trọng nhất là hiệu quả của doanh nghiệp hậu cổ phần đem lại cho nền kinh tế, cho xã hội, cho người lao động.
Nếu đánh giá theo những tiêu chí ông vừa đề cập thì hiệu quả CPH đạt được đến đâu?
Không thể phủ nhận hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp sau khi trở thành công ty cổ phần được cải thiện. Sự ra đời của các công ty cổ phần có nguồn gốc doanh nghiệp nhà nước đã góp phần tăng vai trò của doanh nghiệp tư nhân và trên thực tế, doanh nghiệp tư nhân thời gian vừa qua đã có sự phát triển khá ấn tượng, nhờ đó ngày càng đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước cũng như thúc đẩy kinh tế. Có thể nói, nhờ CPH mà doanh nghiệp tư nhân đang phát triển theo đúng định hướng của Nghị quyết 10-NQ/TW (ngày 3/6/2017) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển.
Cũng không thể phủ nhận nhờ hoạt động CPH và thoái vốn, nên từ năm 2016 đến nay, ngân sách nhà nước đã được bổ sung thêm 210.000 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư công. Nếu không có số tiền này, ngân sách nhà nước không đủ nguồn lực lên tới 2 triệu tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là giao thông.
Như vậy, nếu bỏ qua việc không hoàn thành kế hoạch CPH về số lượng doanh nghiệp lẫn số vốn nhà nước bán ra, thì mục tiêu CPH đã đạt được, thưa ông?
Bên cạnh những kết quả đạt được thì thực tế cho thấy, sau khi chuyển thành công ty cổ phần, vẫn có nhiều doanh nghiệp hoạt động “làng nhàng”. Thậm chí có doanh nghiệp đã từng “làm mưa làm gió” trên thị trường khi còn là doanh nghiệp nhà nước, nhưng khi chuyển đổi sở hữu thì hiệu quả hoạt động càng ngày càng đi xuống, thua lỗ triền miên như trường hợp của CTCP Lương thực miền Nam, CTCP Xây dựng Sông Hồng… Rất nhiều thương hiệu nổi tiếng của doanh nghiệp nhà nước ngày xưa, sau một thời gian chuyển thành công ty cổ phần đã nhạt phai, thậm chí biến mất, trong khi thương hiệu chính là tài sản.
CPH là một trong những cách thức để tái cơ cấu nền kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Bởi vậy, theo tôi, hiệu quả CPH chưa đạt mục tiêu.
Thương hiệu đã được xác định giá trị và tính vào giá trị của doanh nghiệp khi CPH, tức là đã thuộc tài sản của doanh nghiệp, nên dù có bị mất đi thì Nhà nước cũng không thất thoát tài sản?
Về lý thuyết thì tài sản vô hình, trong đó có thương hiệu đều được định giá khi xác định giá trị doanh nghiệp, nhưng đã định giá hết chưa, đã sát thị trường chưa thì không chỉ có tài sản vô hình, mà ngay cả tài sản hữu hình cũng chưa định giá chính xác, còn rất xa so với giá trị thực tế trên thị trường.
Trên lý thuyết thì khi CPH, doanh nghiệp được lựa chọn một trong 4 phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, nhưng trên thực tế hầu hết doanh nghiệp chỉ sử dụng phương pháp tài sản vì đây là phương pháp dễ nhất. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng phương pháp tài sản để xác định giá trị doanh nghiệp lại thiếu thông tin về thị trường để xác định giá trị còn lại của tài sản hữu hình; chưa có tiêu chuẩn cụ thể để định giá thương hiệu, uy tín, mẫu mã, danh tiếng, quyền sở hữu trí tuệ (tài sản vô hình), nên chưa tính được hết giá trị tiềm năng của doanh nghiệp.
Ngoài ra, do chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc định giá tài sản vô hình, do đó việc định giá phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của người định giá, dẫn đến giá trị tài sản vô hình có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị hợp lý. Khi định giá cao hơn thì không CPH được và ngược lại, định giá thấp hơn thì Nhà nước thất thoát tài sản.