Áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu đối với 2 doanh nghiệp, Kiểm toán nhà nước xác định tăng vốn nhà nước hơn 15.684 tỷ đồng |
Kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020 đã… “kết thúc” khi chỉ đạt được 28% mục tiêu. Câu chuyện bây giờ là nhìn lại xem trong tiến trình cổ phần hóa đã thất thoát vốn nhà nước thế nào.
Giá trị vốn nhà nước tăng thêm 15.447,68 tỷ đồng
Theo số liệu của Bộ Tài chính, từ năm 2016 đến nay, mới cổ phần hóa được 37/128 doanh nghiệp theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tức là mới đạt được 28% kế hoạch. Và từ đầu năm đến nay, mới cổ phần hóa được đúng một đơn vị và một đơn vị khác hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp.
Mới chỉ đạt được 28% kế hoạch cổ phần hóa, nhưng tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, đặc biệt là đất đai bị thất thoát thì sao?
Theo số liệu vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố, từ năm 2017 đến nay, Kiểm toán Nhà nước mới thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa của 16 doanh nghiệp đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp tài sản tăng 15.447,68 tỷ đồng. Ngoài ra, áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu đối với 2 công ty xác định giá trị vốn nhà nước tăng 15.684,31 tỷ đồng.
“Cũng trong thời gian này, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại 45 doanh nghiệp. Hầu hết các đơn vị được kiểm toán đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ; một số đơn vị chậm bàn giao tài sản, đất đai theo phương án cổ phần hóa; sử dụng đất không đúng mục đích; một số đơn vị xác định nợ phải trả không chính xác.
UBND một số tỉnh, thành phố chưa có ý kiến hoặc chậm có ý kiến hoặc chưa phê duyệt phương án sử dụng đất, giá đất; một số đơn vị chậm phê duyệt quyết toán tài chính, quyết toán số tiền thu cổ phần hóa. Kết quả kiểm toán xác định tăng vốn nhà nước tại thời điểm chuyển thành công ty cổ phần tăng gần 1.577 tỷ đồng”, ông Đoàn Xuân Tiên, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết thêm.
Cũng theo ông Tiên, kiểm toán cho thấy, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, làm ảnh hưởng đến giá trị phần vốn của Nhà nước, đặc biệt là những sai sót trong xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, hàng tồn kho, định giá tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán, chi phí trả trước dài hạn, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất…
Kết quả kiểm toán kể trên chắc chắn là chưa thể phát hiện được hết tài sản nhà nước bị thất thoát, lãng phí, bởi theo ông Đoàn Xuân Tiên, công tác kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán.
“Số lượng các cuộc kiểm toán còn rất ít, nhiều doanh nghiệp đã được cổ phần hóa, nhưng Kiểm toán Nhà nước chưa thực hiện kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp. Khung khổ pháp lý hướng dẫn xác định giá trị doanh nghiệp còn nhiều bất cập liên quan đến xử lý tài chính, phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá trị tài sản vô hình, xác định giá trị quyền sử dụng đất. Công tác phối hợp của một số cơ quan quản lý nhà nước còn chưa tốt đã ảnh hưởng đến công tác kiểm toán, đặc biệt là việc lưu trữ, cung cấp hồ sơ tài liệu, hồ sơ pháp lý của tài sản hiện hành”, ông Tiên nhấn mạnh.
Xác định giá trị doanh nghiệp thiếu chính xác làm giảm giá trị tài sản
Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách tư pháp, Ban Nội Chính trung ương, bà Trương Thị Hồng Hà cũng cho rằng, trong quá trình cổ phần hóa, các hành vi gian lận, vi phạm chính sách, chế độ về xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý tài chính, cùng các hiện tượng tiêu cực làm thất thoát tài sản của nhà nước đã xảy ra.
Cũng theo bà Hà, nếu không có hoạt động kiểm toán nhà nước về kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, chắc chắn Nhà nước đã bị thất thoát khoản tài sản rất lớn, bởi việc xác định giá trị doanh nghiệp còn thiếu chính xác đã làm giảm giá trị tài sản được định giá, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhà nước.
“Đặc biệt là những sai sót trong việc xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán… Kết quả kiếm toán cho thấy, việc xử lý các vấn đề tài chính trước khi CPH và định giá doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán...”, bà Hà nhấn mạnh.
Tài sản nhà nước thất thoát lớn nhất, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh chính là đất đai.
“Rất nhiều doanh nghiệp khi cổ phần hóa, nhà đầu tư không nhìn vào tình hình hoạt động, tài chính, tiềm năng, lợi thế của doanh nghiệp mà đều nhìn vào đất đai mà doanh nghiệp đang được giao quản lý, sử dụng. Nhà đầu tư chỉ “nhìn vào” tiềm năng, lợi thế của các mảnh đất vàng sau khi cổ phần hóa sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng để quyết định đầu tư chứ không hề nhìn vào thực tế doanh nghiệp hoạt động ra sao, sau khi chuyển đổi sở hữu phát triển thế nào”, ông Ánh nhấn mạnh.
Dẫn số liệu chưa đầy đủ từ 36/74 tập đoàn, tổng công ty nhà nước sau khi cổ phần hóa, vị chuyên gia này không khỏi giật mình khi biết 36 doanh nghiệp này đang quản lý, sử dụng hơn 327.000 ha đất trong đó có diện tích khá lớn đang được sử dụng không đúng mục đích.
“Trước khi cổ phần hóa và cả sau khi đã trở thành công ty cổ phần, doanh nghiệp quản lý, sử dụng bao nhiêu mảnh đất, bao nhiêu diện tích đất, vị trí của những mảnh đất nằm ở đâu, đang được sử dụng thế nào, hồ sơ pháp lý đất đai ra sao… chính quyền địa phương cũng không hề biết. Chính việc buông lỏng quản lý khiến đất đai - tài sản nhà nước lớn nhất tại doanh nghiệp - bị chiếm dụng, sử dụng không đúng mục đích gây ra thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa”, ông Ánh phát biểu.
Ngoài các doanh nghiệp sẽ được bổ sung vào kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn tới thì tất cả doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn trong giai đoạn 2016-2020 sẽ được chuyển sang giai đoạn 2021-2026. Việc xác định giá trị doanh nghiệp và buông lỏng quản lý đất đai như hiện nay khiến ông Ánh lo lắng.
“Cơn sốt đất đã vượt ra khỏi Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn và đang đổ bộ vào các “tỉnh lẻ”. Nếu không chấn chỉnh hoạt động định giá, quản lý đất đai thì nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước, đặc biệt là đất đai khi tiếp tục cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn tới là rất lớn”, ông Ánh phát biểu.