Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các bệnh tim mạch vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Đáng lưu ý, số bệnh nhân tim mạch và các tai biến đang có chiều hướng gia tăng ở nhóm người trẻ từ 25- 40 tuổi.
Bệnh nhân tim mạch đang trẻ hoá
Thời gian gần đây, tần suất người dân mắc các bệnh lý về tim mạch đến khám, điều trị ngày càng cao và trẻ hóa. Trong đó, tỷ lệ người trẻ tuổi mắc các bệnh về tim mạch và tăng huyết áp rất lớn. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim có tuổi đời trên dưới 45 tuổi.
Bên cạnh tỷ lệ người mắc các bệnh tim mạch ngày càng gia tăng, thì mô hình bệnh tim còn có xu hướng trẻ hóa. Nếu như trước đây, các bệnh mạch vành, động mạch não, bệnh động mạch ngoại biên... thường chỉ gặp ở người cao tuổi, thì ngày nay có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Ảnh minh hoạ |
Theo thống kê của Hội Tim mạch Việt Nam cho thấy, các bệnh lý về tim mạch đã cướp đi khoảng 200.000 sinh mạng người mỗi năm và cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, số lượng người mắc bệnh tim mạch ngày càng nhiều ở mức báo động.
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thế Huy, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, các bệnh lý tim thường gặp là tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, thiếu máu cơ tim do tổn thương động mạch vành, các bệnh lý về động mạch chủ hoặc động mạch ngoại biên.
Bên cạnh đó, còn có bệnh lý hở van tim, tim bẩm sinh. Các tình trạng như suy tim, rối loạn nhịp tim cũng là tình trạng phổ biến có thể gây ra tử vong do bệnh tim mạch.
Các bệnh lý tim mạch nguy hiểm thường gặp trong trường hợp cấp cứu như nhồi máu cơ tim cấp, phình tắc động mạch chủ hoặc các trường hợp gây tắc mạch gồm đột quỵ não, tai biến mạch máu não, xuất huyết não.
Bệnh tim mạch thường được ví như "sát thủ thầm lặng" vì bệnh thường diễn biến âm thầm. Thí dụ như bệnh lý tăng huyết áp thường không có triệu chứng cụ thể, chỉ khi đo huyết áp người bệnh mới thấy chỉ số huyết áp tăng cao. Điều này khiến người bệnh chủ quan trong điều trị và theo dõi tình trạng bệnh.
Do đó, người bệnh thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và khiến bệnh có nhiều biến chứng, tăng nguy cơ tử vong.
Biện pháp kiểm soát bệnh tim mạch
Nguyên nhân chính dẫn đến trẻ hóa các bệnh lý tim mạch là do thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lối sống ít vận động kèm theo chế độ thực phẩm, ăn uống không hợp lý, nhiều dầu mỡ… dẫn tới béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường và cuối cùng là các biến cố tim mạch.
Sự thay đổi chế độ ăn uống trong đời sống công nghiệp cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh tim mạch.
Các loại thức ăn nhanh vốn chứa nhiều acid béo có hại và cholesterol xấu, dễ gây ra các bệnh mạch vành. Chế độ ăn hàng ngày giàu đạm và chất béo động vật, nghèo chất xơ rau củ quả và đạm thực vật cũng gây bệnh tim mạch. Thói quen ăn uống không lành mạnh dẫn đến mỡ máu cao.
Bên cạnh đó, do sức ép và áp lực công việc diễn ra trong thời gian dài khiến cơ thể bị căng thẳng lớn. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến những cơn co thắt tim tại nhóm người trẻ tuổi. Lối sống gấp gáp, ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi không phù hợp cũng là nguyên nhân khiến người trẻ tuổi mắc bệnh tim mạch ngày càng nhiều.
Nếu chúng ta không kiểm soát các yếu tố gây bệnh lý tim mạch sớm và hệ lụy để lại rất nặng nề, không chỉ ảnh hưởng bản thân người bệnh mà còn là gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Bên cạnh những yếu tố, nguy cơ của bệnh tim mạch không thể thay đổi được do tuổi tác, giới tính, di truyền, thì còn lại chúng ta đều có thể phòng ngừa bằng cách tránh các yếu tố nguy cơ, xử lý kịp thời ngay khi nhận diện các dấu hiệu sớm của bệnh lý.
Đa phần các bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh tim mạch thường gặp các vấn đề căng thẳng trong công việc, thường xuyên hút thuốc lá, bị béo phì. Đây đều là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người trẻ tuổi. Bên cạnh đó còn có các yếu tố khác như mắc bệnh tiểu đường, thường xuyên sử dụng rượu bia cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Một vài dấu hiệu cảnh báo sớm các vấn đề tim mạch: Khó thở, đau tức ngực, đặc biệt là khi hoạt động gắng sức; Hồi hộp hoặc choáng váng; Ngất; Ngón chân, ngón tay tím hoặc thay đổi hình dạng; Có các thay đổi trên da, xuất hiện các ổ loét hoặc hoại tử; Sờ thấy các khối bất thường ở vùng bụng trong trường hợp mắc bệnh phình động mạch chủ.
Để phòng tránh bệnh tim mạch, Liên đoàn Tim mạch Thế giới đã đưa ra 10 lời khuyên sau đây: Chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Không nên ăn mặn; Hạn chế uống rượu, bia vì uống nhiều rượu, bia làm huyết áp tăng và trọng lượng của bạn cũng tăng lên; Không hút thuốc lá, thuốc lào vì hút thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân trực tiếp gây nhồi máu cơ tim, đột qụy và nhiều bệnh lý tim mạch khác.
Duy trì cân nặng hợp lý, cần giảm cân (nếu thừa cân) sẽ làm giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên; Tránh căng thẳng, lo âu quá mức. Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh và hiệu quả;
Tập thể dục thường xuyên, mỗi ngày tập từ 30 - 60 phút sẽ giúp phòng, chống các bệnh lý tim mạch và sức lao động sẽ được cải thiện hơn; Tạo môi trường sạch sẽ, không có khói thuốc ở gia đình và công sở; Cần có thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng (nếu có thể) ngay tại chính nơi mình làm việc;
Tại nơi công sở cũng cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh; Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng cholesterol, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI).