Những vi phạm này chủ yếu liên quan đến quy trình chế biến, bảo quản và ghi nhãn thực phẩm. Cụ thể, trong đợt thanh tra mới đây của Sở Y tế Hà Nội, bốn cơ sở đã bị xử phạt vì vi phạm an toàn thực phẩm.
Trong đó, Công ty TNHH Tổ hợp Y tế Phương Đông (số 9 phố Viên, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) bị xử phạt 8 triệu đồng vì không thực hiện đúng quy định về chế độ kiểm thực 3 bước.
Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại Hà Nội đã phát hiện nhiều vi phạm từ các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm. |
Công ty Cổ phần Kinh doanh Dịch vụ Tân Khoa (số 16, ngách 28/29 phố Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình) bị phạt 16 triệu đồng do không thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước và tình trạng cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp không được che kín.
Công ty Cổ phần Bibomart Thương mại (120 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) bị xử phạt 17,5 triệu đồng vì nhãn phụ hàng hóa ghi không đúng các nội dung theo quy định, với tổng giá trị hàng hóa vi phạm lên tới hơn 52 triệu đồng.
Công ty Cổ phần Sube Việt Nam (tầng 7, tòa nhà B Fafim, số 19 đường Nguyễn Trãi, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) bị phạt 35 triệu đồng do không công bố thông tin về an toàn thực phẩm hoặc không nộp bản tự công bố sản phẩm như quy định.
Trước đó chưa lâu, Công ty Cổ phần Bigstar Việt Nam (số 42 đường Nguyên Hồng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa) bị xử phạt 4 triệu đồng do không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến.
Các cơ sở bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt còn có chủ hộ kinh doanh Vũ Lệ Hằng - Bò nhúng dấm 555 (138A phường Giảng Võ, quận Ba Đình); chủ hộ kinh doanh Mường Hoa (căn 402 HH1B Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), cả hai đều bị xử phạt mức 12,5 triệu đồng do kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Cùng mắc lỗi này, Công ty Cổ phần Five Spices (số 374 đường phố Huyện, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai) và Công ty TNHH Greensky Quốc tế (số 10E, ngõ 145/5 đường Phúc Lợi, phường Phúc Lợi, quận Long Biên) đều bị xử phạt mức 25 triệu đồng.
Ngoài ra, Thanh tra Sở Y tế cũng xử phạt Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thế giới hải sản (số 06/H1 Khu đô thị mới Yên Hòa - Cầu Giấy, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) do thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn. Thanh tra Sở đã xử phạt đơn vị này 16 triệu đồng.
Công ty TNHH Đầu tư nước sạch và môi trường Thanh Oai (địa chỉ thôn Cát Động, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai) bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt 35 triệu đồng do cung cấp nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt không bảo đảm quy trình kỹ thuật về chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt.
Liên quan đến công tác an toàn thực phẩm, ông Đặng Thanh Phong, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở.
Thời gian qua, cơ quan chức năng của Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hậu kiểm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể... nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, và ý thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cũng đã được nâng lên so với trước.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm và ngăn chặn thực phẩm "bẩn" tuồn ra thị trường, ông Đặng Thanh Phong cho biết, từ nay đến cuối năm, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ tiếp tục được tăng cường.
Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung công tác hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định.
Ông Phong cũng cho biết thêm, ngành Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức công tác giám sát, phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định.
“Tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường; kiên quyết yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn không bảo đảm an toàn thực phẩm phải có các biện pháp khắc phục mới được hoạt động tiếp,” ông Phong nhấn mạnh.