Y tế - Sức khỏe
Dịch HIV/AIDS diễn biến phức tạp, nhất là nơi có nhiều khu công nghiệp, trường đại học
D.Ngân - 18/11/2024 17:48
Dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đang có nhiều diễn biến phức tạp với sự thay đổi rõ rệt trong hình thái lây nhiễm. Các nhóm nguy cơ cao như nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và người chuyển giới nữ tiếp tục là thách thức lớn trong công tác phòng, chống dịch.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 11.421 trường hợp nhiễm HIV mới và 1.263 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, phần lớn các ca nhiễm mới tập trung tại khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm gần 70% số ca nhiễm, theo báo cáo từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

Đó là thông tin đưa ra tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí về công tác phòng, chống HIV/AIDS trước thềm mít-tinh Hưởng ứng Ngày thế giới Phòng, chống HIV/AIDS do Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tổ chức chiều 18/11.

Lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS phát biểu tại sự kiện.


Dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam. Những khu vực có nhiều khu công nghiệp, trường đại học, nơi tập trung dân cư đông đúc, dễ xảy ra các hành vi nguy cơ cao như quan hệ tình dục không an toàn, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.

Phần lớn ca nhiễm mới thuộc nhóm nam giới (82,9%), chủ yếu ở độ tuổi từ 15-29 (40%) và 30-39 (27,3%). Đối tượng chiếm tỷ lệ cao nhất là nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM), chiếm 42,2%.

Theo PGS-TS.Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, nhóm MSM đã trở thành nguy cơ chính trong dịch HIV tại Việt Nam.

Hình thái lây nhiễm HIV hiện tại có sự thay đổi rõ rệt so với trước đây, khi tỷ lệ lây qua đường máu giảm đáng kể, trong khi tỷ lệ lây qua đường tình dục tăng cao. Từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục đã tăng từ 47,5% lên đến 70,8%.

Bên cạnh sự gia tăng mạnh mẽ ở khu vực phía Nam, các báo cáo gần đây cũng cho thấy nguy cơ bùng phát dịch tại các khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc kiểm soát và dự phòng HIV/AIDS tại các vùng khó khăn, thiếu thốn dịch vụ y tế.

Các nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, ngoài nhóm MSM, người chuyển giới nữ cũng là một trong những nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Tỷ lệ hiện nhiễm HIV tại Hà Nội ở nhóm này là 5,8% (năm 2022), trong khi tại TP.HCM, tỷ lệ này tăng từ 6,8% (năm 2004) lên 18% (năm 2016) và 16,5% (năm 2020).

Còn theo ông Raman Hailevich, Giám đốc Quốc gia UNAIDS Việt Nam, dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong giảm số ca nhiễm mới, nhưng vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Theo Báo cáo Chỉ số đánh giá mức độ kỳ thị (Stigma Index), khoảng 22% phụ nữ mại dâm và hơn 20% người chuyển giới nữ cho biết đã trải qua kỳ thị trong 12 tháng qua.

Việc tự kỳ thị trong cộng đồng người nhiễm HIV cũng là một rào cản lớn, gây khó khăn cho việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết.

Ông Hailevich nhấn mạnh, cần có sự thay đổi trong cách truyền thông và tiếp cận vấn đề, tập trung vào việc xây dựng hình ảnh tích cực về người sống chung với HIV, giúp họ tự tin đóng góp cho xã hội.

Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.

Các chương trình truyền thông, giáo dục cộng đồng được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức, đồng thời khuyến khích việc tiếp cận các dịch vụ y tế và điều trị HIV sớm, góp phần cải thiện chất lượng sống của người nhiễm HIV.

Ông Hailevich bày tỏ hy vọng, với sự chung tay của toàn xã hội, mục tiêu 90% người sống chung với HIV không bị kỳ thị, phân biệt đối xử là hoàn toàn khả thi. Đây không chỉ là cam kết, mà còn là một nhiệm vụ thiết yếu để bảo đảm quyền về sức khỏe cho tất cả mọi người.

Để đối phó hiệu quả, cần sự nỗ lực không ngừng từ các cấp chính quyền, tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc giảm kỳ thị, tăng cường dự phòng và mở rộng các chương trình chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV.

Tin liên quan
Tin khác