Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 17/11: Cảnh báo lừa đảo bệnh nhân ở khu vực bệnh viện
D.Ngân - 17/11/2024 08:00
Sở Y tế TP.HCM yêu cầu Bệnh viện Ung Bướu tăng cường các giải pháp truyền thông và tư vấn, giúp bệnh nhân từ nơi xa không bị lừa gạt bởi các đối tượng xấu.

Cảnh báo tình trạng lừa đảo bệnh nhân ở khu vực bệnh viện

Sở Y tế TP.HCM vừa nhận báo cáo nhanh từ Bệnh viện Lê Văn Việt về trường hợp một bệnh nhân tử vong trước khi nhập viện, nghi do sốc phản vệ, tại số 17, đường 225B, phường Tân Phú, TP.Thủ Đức.

Ảnh minh họa.

Ngay khi nhận được thông tin, Sở Y tế đã triển khai tổ công tác kiểm tra tại địa chỉ trên, phối hợp với Phòng Y tế TP. Thủ Đức, Trạm Y tế phường, Công an phường và Trưởng khu phố. Qua kiểm tra, đoàn ghi nhận căn nhà tại địa chỉ số 17-19 không có biển hiệu, được sử dụng làm khu nhà trọ cho bệnh nhân ung thư.

Tại hiện trường, bệnh nhân được phát hiện nằm trên băng ca, tím tái, ngưng tim, ngưng thở, đồng tử giãn, và đang được theo dõi bằng monitor.

Có ba vết mổ ở cổ, lưng và đùi phải. Một người nam mặc trang phục y tế cho biết bệnh nhân đã được tiêm thuốc Pegcyte 6mg/0,6ml, sau 5 phút có biểu hiện lơ mơ nên liên hệ Trung tâm Cấp cứu 115.

Đoàn kiểm tra cũng phát hiện trong phòng có hai bệnh nhân khác đang truyền dịch không rõ loại, và có dấu hiệu tẩu tán dụng cụ y tế. Cơ quan Cảnh sát điều tra TP. Thủ Đức hiện đang thụ lý vụ việc, xác minh các cá nhân liên quan.

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu Bệnh viện Ung Bướu tăng cường các giải pháp truyền thông và tư vấn, giúp bệnh nhân từ nơi xa không rơi vào tình trạng bị đối tượng xấu lừa gạt.

Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện, và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật quanh khu vực bệnh viện.

Trước đó, cũng về vấn nạn lừa đảo người dân có nhu cầu thẩm mỹ, Bệnh viện Quân y 175 (TP. HCM) cũng đã lên tiếng cảnh báo việc bệnh viện lại bị mạo danh để lừa đảo, trục lợi. Nhiều trang cá nhân, phòng khám tư, cơ sở thẩm mỹ sử dụng từ khóa liên quan đến bệnh viện như “Viện thẩm mỹ 175”, “Bệnh viện 175”… để quảng cáo, thu hút bệnh nhân.

Đại diện Bệnh viện cho biết, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi. Một loạt trang Fanpage giả mạo ra đời đã ngang nhiên sao chép và đăng tải lại các bài đăng, logo, ảnh bìa trang Fanpage chính thức của bệnh viện. Thậm chí, một số trang Facebook giả mạo còn lợi dụng danh tiếng của bác sỹ Bệnh viện Quân y 175 để gây nhầm lẫn, trục lợi.

Việc mạo danh, giả mạo, lấy tên tuổi các bác sỹ và thương hiệu của các bệnh viện lớn để lừa đảo, trục lợi có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, thậm chí cả tính mạng người sử dụng dịch vụ; đồng thời làm ảnh hưởng đến uy tín của bác sĩ, bệnh viện. Người dân cần hết sức tỉnh táo, thận trọng để không bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt, dẫn tới “tiền mất, tật mang”.

Để ngăn chặn hành vi mạo danh, lừa đảo, các bệnh viện thường xuyên rà soát, báo cáo với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng.

Tuy nhiên, để đối tượng xấu không có cơ hội lợi dụng, người dân cần đề cao cảnh giác hơn nữa và chọn lọc thông tin chính xác. Khi có nhu cầu khám chữa bệnh và tư vấn, người dân có thể nhắn tin trực tiếp đến cổng thông tin chính thức của bệnh viện (có tích xanh xác nhận của Facebook hoặc gọi cho số điện thoại hotline của bệnh viện để được tư vấn, hỗ trợ.

Thuốc viên nén Prednisolon vi phạm chất lượng

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, vừa gửi văn bản đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Công ty Cổ phần Dược phẩm Tipharco thông báo về việc thu hồi thuốc vi phạm mức độ 3.

Theo kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Bình Dương và Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM, thuốc viên nén Prednisolon 5mg, số đăng ký lưu hành: VD-27065-17, lô số: 020523, sản xuất ngày 10/5/2023, hạn dùng đến 10/5/2026, do Công ty Cổ phần Dược phẩm Tipharco sản xuất, không đạt tiêu chuẩn về chỉ tiêu độ hòa tan.

Cục Quản lý Dược đã xác định vi phạm này ở mức độ 3 và yêu cầu Công ty Tipharco phải thông báo thu hồi sản phẩm trên toàn quốc trong vòng 2 ngày. Các cơ sở bán buôn, bán lẻ cần tiến hành thu hồi và gửi báo cáo kèm hồ sơ thu hồi về Cục theo quy định.

Thuốc Prednisolon 5mg được dùng để kháng viêm, dị ứng và ức chế miễn dịch, chỉ định cho các bệnh như viêm da dị ứng, hen suyễn, và phản ứng quá mẫn.

Trước đó, cơ quan này cũng thu hồi thuốc Cendemuc (Acetylcystein 200mg); Số GĐKLH: VD-21773-14; Số lô: 03/0123; NSX: 27/01/2023; HD: 27/01/2026 do Công ty Cổ phần Dược Trung ương 3 sản xuất, không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu độ mịn.

Mẫu thuốc do Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương lấy tại Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Dương Nhung (quầy 511, tầng 5, Hapu Medicenter, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội).

Cấp cứu thành công bệnh nhân suýt tử vong do thoát vị bẹn nghẹt

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 15/11 thông báo đã cấp cứu thành công một bệnh nhân bị thoát vị bẹn nghẹt.

Bệnh nhân N.V.D (79 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) gặp tình trạng đau nhói, có khối phình to ở bẹn bìu phải với kích thước 5x7cm. Sau khi tự uống thuốc giảm đau mà không thuyên giảm, ông D. nhập viện với cơn đau tăng dần, không thể chịu đựng. Bác sỹ chẩn đoán ông bị thoát vị bẹn nghẹt, cần mổ cấp cứu ngay để tránh hoại tử ruột.

Cuộc phẫu thuật kéo dài hơn 1 giờ đã thành công, nhưng một phần ruột đã bị hoại tử phải cắt bỏ. Hiện sức khỏe của ông D. đã ổn định và đang được theo dõi.

Bác sỹ Bùi Thanh Tuế, Khoa Ngoại Tổng hợp, Tiết niệu và Nam học, chia sẻ, đối với trường hợp hoại tử, tình trạng nhiễm độc không nặng, chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ phần ruột bị hoại tử và theo dõi tình trạng sau phẫu thuật. Sau khoảng 10 ngày nếu không có dấu hiệu bất thường, bệnh nhân sẽ được ra viện.

Thoát vị bẹn là bệnh lý phổ biến ở nam giới, đặc biệt là người cao tuổi. Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt để khi được phát hiện sớm. Nếu biến chứng xảy ra muộn, bệnh nhân có nguy cơ phải cắt bỏ phần tạng hoại tử và gặp tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng.

Bác sỹ Trần Thượng Việt nhấn mạnh, người bệnh có tiền sử mắc bệnh lý tuyến tiền liệt cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên và nên phẫu thuật sớm khi có chỉ định. Điều này giúp giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm như thoát vị bẹn nghẹt.

Tin liên quan
Tin khác