Y tế - Sức khỏe
Quy định mới về tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe
D.Ngân - 18/11/2024 07:21
Ngày 17/11/2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã ký ban hành Thông tư số 36/2024/TT-BYT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe đối với người lái xe và người điều khiển xe máy chuyên dùng.

Theo Thông tư số 36, quy định về phân nhóm tiêu chuẩn sức khỏe được chia làm ba nhóm chính: Nhóm 1: Áp dụng cho người khám sức khỏe để cấp giấy phép lái xe hạng A1, B1 và người điều khiển xe máy chuyên dùng.

Ảnh minh họa,

Nhóm 2: Áp dụng cho trường hợp khám sức khỏe để cấp giấy phép lái xe hạng A và B.

Nhóm 3: Áp dụng cho người khám sức khỏe để cấp giấy phép lái xe hạng C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE.

Đáng chú ý, Thông tư mới yêu cầu xét nghiệm ma túy và nồng độ cồn đối với người lái xe khi khám sức khỏe. Cụ thể, xét nghiệm nồng độ ma túy bao gồm 5 loại (thay vì 4 loại như trước đây), trong khi xét nghiệm nồng độ cồn chỉ được thực hiện khi có chỉ định từ bác sĩ trong trường hợp nghi ngờ.

Giấy khám sức khỏe sẽ có giá trị sử dụng trong 12 tháng kể từ ngày ký kết luận, thay vì 6 tháng như trước đây. Thông tư cũng bỏ phần khám thai sản do ít liên quan đến yêu cầu sức khỏe lái xe.

Bên cạnh đó, Thông tư số 36 đã quy định việc xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe và người điều khiển xe máy chuyên dùng. Các thông tin cần thiết bao gồm:

Thông tin hành chính theo quy định của Đề án phát triển dữ liệu dân cư. Tên cơ sở khám chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe, kết quả xét nghiệm ma túy, và kết luận về tình trạng sức khỏe. Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Về công tác khám sức khỏe cho người lái xe, vừa qua, Bộ Y tế có văn bản yêu cầu xác minh thông tin báo chí phản ánh về tình trạng bát nháo khám sức khỏe để đi nước ngoài tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội và Bệnh viện Giao thông vận tải.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh ký ban hành đề nghị Giám đốc Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội và Giám đốc Bệnh viện Giao thông vận tải khẩn trương xác minh thông tin; đồng thời kiểm tra, xác minh toàn bộ sự việc liên quan và xử lý nghiêm sai phạm (nếu có).

Hai bệnh viện cần khẩn trương rà soát và kiểm tra hoạt động khám sức khỏe nói chung và khám sức khỏe có yếu tố nước ngoài nói riêng tại cơ sở.

Mặt khác, tăng cường quản lý công tác khám và cấp giấy khám sức khỏe của đơn vị theo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Cũng tại văn bản này, Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội và Giám đốc Bệnh viện Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khám và cấp giấy khám sức khỏe của cơ sở. Đồng thời, báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp và báo cáo về Bộ Y tế tiến độ, kết quả kiểm tra, xác minh trước ngày 18/11/2024.

Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố; bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế; bệnh viện trực thuộc trường đại học; y tế bộ, ngành về việc hướng dẫn văn bản liên quan công tác khám sức khỏe.

Bộ Y tế đã ban hành quyết định công bố bãi bỏ 12 thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục về cấp giấy khám sức khỏe cho người lái xe, khám sức khỏe định kỳ của người lái ô tô.

Tuy nhiên, việc bãi bỏ thủ tục hành chính này không có nghĩa là từ nay khi thi bằng lái xe là không cần phải khám sức khỏe như một số người lầm tưởng.

Tin liên quan
Tin khác