Hội nghị tập huấn truyền thông về công tác hội nhập, UNESCO và ASEAN năm 2024. (Ảnh: Bộ TTTT) |
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, mục đích của hội nghị tập huấn nhằm cung cấp thông tin định hướng và làm phong phú nội dung tuyên truyền trên các báo; trong đó, nổi bật là sự tham gia, đóng góp và hội nhập của Việt Nam. Thông qua sức lan toả của các cơ quan báo chí, góp phần tăng cường hiểu biết cho người dân về hội nhập, UNESCO và ASEAN.
Trong khuôn khổ hội nghị, các phóng viên, biên tập viên chuyên trách đã nghe đại diện Bộ Ngoại giao trình bày về tình hình khu vực, thế giới và tác động đến Việt Nam, đường lối, chính sách đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, thành tựu xây dựng Cộng đồng ASEAN, vai trò và vị trí của ASEAN trong cục diện toàn cầu và quan hệ với các đối tác bên ngoài, trọng tâm hợp tác ASEAN giai đoạn tới và định hướng tham gia của Việt Nam; đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam giới thiệu chương trình công tác của Ủy ban và các tiểu ban cùng các trọng tâm ưu tiên trong công tác truyền thông…
Thông tin tại Hội nghị, ông Vũ Duy Thành, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao nêu rõ, đường lối đối ngoại của Việt Nam đã được thể hiện rõ trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII, Nghị quyết 34-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như trong phát biểu kết luận quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc năm 2021 và Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 năm 2023. Đại hội XIII nêu “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa”. Đặc biệt, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.
Ông Thành đề nghị, cán bộ báo chí - truyền thông cần chọn lọc thông tin để đưa đến độc giả, lưu ý giữ nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền dân tộc, đồng thời nêu cao tính hòa bình, nhân đạo. Đáng chú ý, cần phát huy chính sách đối ngoại năng động, cân bằng, linh hoạt và khôn khéo của Việt Nam vào công tác truyền thông. Đây vốn là điểm sáng được dư luận quốc tế đánh giá cao khi nói về ngoại giao Việt Nam, góp phần duy trì tốt mối quan hệ của nước ta với tất cả các nước lớn trên thế giới, chú trọng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.
Về hợp tác trong ASEAN, ông Trịnh Minh Mạnh, Phó vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao cho biết, với vị thế, tiềm lực ngày càng tăng của ASEAN, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt vẫn đang tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong đối thoại và hợp tác đa phương tại khu vực; vẫn được các nước đối tác, đặc biệt là các đối tác lớn hết sức coi trọng. Vì vậy, ASEAN vẫn có lợi thế lớn và vai trò trung tâm của ASEAN vẫn đang tiếp tục được củng cố từng ngày.
Việc củng cố vai trò trung tâm của ASEAN không chỉ đem lại lợi ích cho khối, còn đối với các quốc gia thành viên, vì vậy, việc các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, tích cực ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN là biện pháp hiệu quả để bảo vệ lợi ích của chính mình.
Cũng tại Hội nghị, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đã chia sẻ nội dung về Tầm nhìn 2035 về thông tin truyền thông ASEAN với chủ đề: “Truyền thông: Từ thông tin đến tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng”.